| Hotline: 0983.970.780

Người xưa làm thủy lợi [Bài 3]: Người kiến tạo, khai thông các dòng sông

Thứ Ba 29/08/2023 , 14:30 (GMT+7)

Không chỉ là ‘kiến trúc sư’ của hệ thống đê điều, Lê Đại Cang còn là người kiến tạo việc nạo vét sông, khơi thông dòng chảy đưa nước về tưới cho ruộng đồng.

Nắm bắt thủy thế để mở, nắn những dòng sông

Không chỉ lo việc đê, Lê Đại Cang còn tính đến chuyện khai đào sông ngòi để dẫn nước tưới, ông đã dâng sớ đề xuất lên vua Minh Mạng bày tỏ tâm tư: Khảo sát đầu nguồn của các con sông, ở Bắc Thành, Hưng Hóa thì có sông Thao, sông Đà; ở Tuyên Quang thì có sông Lô, sông Đáy; đến 2 huyện Tiên Phong, Bạch Hạc thuộc Sơn Tây thì 4 con sông hợp lưu vào sông Nhị, rồi sau chia chảy ra biển.

Dòng sông quanh co, khúc khuỷu, nếu bất ngờ có mưa lụt thì thế nước chảy rất mạnh, tràn qua gò đống rất mau, không thể ngăn được. Đê giữ 2 bên bờ, khúc nọ ôm khúc kia, thế nước ngoằn ngoèo như chứa trong ống. Nếu đê không giữ nổi thì sẽ bị vỡ, vì nước chảy không thông.

Vả lại, sông Nhị là sông xung yếu của Bắc Thành, bên phải có sông Hát chia nhánh đổ về 2 sông Châu Cầu và Thanh Quyết; bên trái có sông Nguyệt Đức ở huyện Yên Lạc, sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn đều chảy xuống Bắc Ninh, Hải Dương, rót vào sông Lục Đầu, không sông nào là không chia thế nước của sông Nhị mà chảy ra biển.

Lê Đại Cang được thờ phụng tại nhà từ đường ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lê Đại Cang được thờ phụng tại nhà từ đường ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nay 2 sông Hát Môn và Nguyệt Đức có nhiều cát bồi, sông Thiên Đức lại cong queo, cạn, hẹp, tắc, nước chảy không thông, mỗi lần nước lụt chảy mạnh thì các sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy đều đổ thẳng về sông Nhị. 2 con sông Hát Môn, Nguyệt Đức đến mùa nước lụt còn có thể chảy được. Riêng sông Thiên Đức gần thượng lưu bờ phía Bắc Thành, cửa sông bị cạn lấp; lại thêm bờ phía Nam cồn cát nhô ra, thế nước chảy mạnh xói vào phía Bắc Thành làm cho bờ sông sụt lở. Nơi ấy trước có kè đá, đến nay đã lở mất rồi.

“Sông Thiên Đức hay tắc, hình như có quan hệ đến thế nước có xói vào phía Bắc Thành hay không. Năm trước, thấy có xin vét sông ấy, bọn thần còn chưa rõ ra sao. Đến nay thân hành đến nơi mà xét rõ, mới biết lời nói của người ta không phải là không có sở kiến. Nhân nghĩ, một đoạn cửa sông ấy lại đâm ngang ra, thế nước không thuận, nên bồi lấp đã lâu mà lòng sông ở hạ lưu thì hãy còn.

Như muốn vét đào thì nên dời cửa sông lên trên để hút nước sông, mé dưới thì tùy thế mở rộng ra, chỗ quanh co thì nắn cho thẳng lại. Ấy là kiến thức hẹp hòi của bọn thần, như có dùng được xin sắc xuống cho đo đạc để trù tính mà làm”, sau khi đi thực địa, nắm bắt thủy thế, Lê Đại Cang đề xuất với vua Minh Mạng như vậy.

Qua nội dung sớ tâu của Lê Đại Cang, người đời sau hiểu rằng nhờ sự đi sâu, đi sát thực tế; nhờ quá trình trải nghiệm, nghiên cứu mà Lê Đại Cang hiểu biết rất sâu sắc về lĩnh vực đê điều và trị thủy ở Bắc Thành.

Lăng mộ của Đệ nhất Thế tổ - Binh bộ Thượng thư Lê Đại Cang (1831) triều vua Minh Mạng thứ 13 tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định'. Ảnh: V.Đ.T.

Lăng mộ của Đệ nhất Thế tổ - Binh bộ Thượng thư Lê Đại Cang (1831) triều vua Minh Mạng thứ 13 tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định”. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ sách thống kê hệ thống thủy lợi đầu tiên của lịch sử

Chính vì thấu đáo những lợi hại trong việc trị thủy, nên trong thời gian giữ cương vị quan Đê chánh Bắc Thành, Lê Đại Cang đã biên soạn cuốn sách “Thống kê các đê công, tư ở Bắc Thành”. Đây được xem là bộ sử đầu tiên về hệ thống đê điều ở Bắc Thành.

Sách “Thống kê các đê công, tư ở Bắc Thành” có nhiều vấn đề được Lê Đại Cang ghi chép rất cụ thể, chi tiết. Ví như: Trấn Sơn Tây có 8 huyện, 212 xã, thôn, trang. Đê công cũ mới ở các sông lớn, sông vừa, sông nhỏ cộng lại có 248 đoạn, dài suốt hơn 59.093 trượng; đời trước đắp 45.136 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 13.957 trượng và 16 cửa cống công. Đê tư đắp trên các sông nhỏ ở đầu nguồn và dòng khe dài suốt hơn 10.393 trượng và 16 cửa cống tư.

Ở 2 huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức có 8 phường thôn, có 2 đê công cũ ở sông lớn dài suốt 1.272 trượng, đắp từ đời trước; có 1 con đê đã bỏ, dài 102 trượng. Trấn Sơn Nam có 16 huyện, 287 xã, thôn, trang; đê công cũ mới ở sông lớn, sông vừa có 368 đoạn, dài suốt hơn 88.363 trượng; đời trước đắp 73.683 trượng, năm Gia Long thứ 2 đến nay đắp hơn 14.679 trượng và 3 cửa cống công…”.

Mộ Quận chúa Ngọc Phiên, thứ phi của Lê Đại Cang, hiện đang nằm bên cạnh lăng mộ của Lê Đị Cang. Ảnh: V.Đ.T.

Mộ Quận chúa Ngọc Phiên, thứ phi của Lê Đại Cang, hiện đang nằm bên cạnh lăng mộ của Lê Đị Cang. Ảnh: V.Đ.T.

Sách Đại Nam thực lục ghi nhận sự sâu sát của Lê Đại Cang lúc ở cương vị quan Đê chánh Bắc Thành như sau: “Từ khi Lê Đại Cang chuyên coi việc đê mới đi khắp nơi xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở.

Ngoài ra, các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói, là đê công thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp. Chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến…”.

Với cương vị Hữu tham tri Hình bộ kiêm chức quản lý Đê chính ở Bắc Thành, chỉ trong vòng khoảng 3 năm, Lê Đại Cang đã chỉ huy xây dựng hệ thống công trình đê điều và trị thủy tại Bắc Thành cực kỳ quy mô, gồm những công trình đê điều lớn tại 18 sở và khoảng 1.000 công trình nhỏ tại 1.000 sở. Bên cạnh đó, Lê Đại Cang còn chỉ huy việc đào lại cửa sông, nắn dòng chảy, nạo vét lòng sông nhằm vừa chống lũ, vừa điều tiết lũ bảo vệ cho Bắc Thành.

Bộ sách “Tổng kê các đê công, tư ở Bắc Thành” của Lê Đại Cang được đánh giá không chỉ là bộ sử đầu tiên về hệ thống đê điều Bắc Thành, mà còn là công trình khoa học, giúp các thế hệ sau thuận lợi trong việc quản lý hệ thống đê điều và công tác trị thủy ở Bắc Thành.

Sự nghiệp đê điều, trị thủy của Lê Đại Cang ở Bắc Thành không chỉ giúp cho người dân sản xuất, trồng trọt, bảo vệ mùa màng, an cư lạc nghiệp, mà còn giúp triều đình nhà Nguyễn có những thành công quan trọng trong việc an dân, trị quốc.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.