| Hotline: 0983.970.780

Dự án hồ La Ngà 3 được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia

Thứ Năm 03/08/2023 , 08:11 (GMT+7)

Để ứng phó khô hạn, việc đầu tư xây dựng các hồ chứa như La Ngà 3 tại Bình Thuận là rất cần thiết và cấp bách.

Bình Thuận là một trong những địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Mùa khô ở tỉnh này thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, dẫn đến nguồn nước mặt trên sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt và nguồn nước ngầm bị suy giảm.

Vào mùa khô hạn, nhiều hồ ở tỉnh Bình Thuận cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: KS.

Vào mùa khô hạn, nhiều hồ ở tỉnh Bình Thuận cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 49 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng, với tổng dung tích thiết kế chỉ đạt hơn 362 triệu m3. Trong khi đó, tổng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 1.169 triệu m3/năm. Vì vậy, nguồn nước chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô.

Trước tình hình trên, để ứng phó với khô hạn, việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, đặc biệt như hồ La Ngà 3 là rất cần thiết và cấp bách.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 847/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi tại tiểu vùng Nam Trung bộ, sẽ xây dựng mới một số hồ chứa có khả năng điều tiết liên vùng. Trong đó tại Bình Thuận có các hồ La Ngà 3, Ka Pét, Tân Lê, Cà Tót, Sông Tom. Cùng với đó xây dựng các tuyến kết nối, điều hòa, chuyển nước từ hồ La Ngà 3 cấp nước khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận.

Mô hình hồ La Ngà 3 được xây dựng. Ảnh: Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT).

Mô hình hồ La Ngà 3 được xây dựng. Ảnh: Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT).

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ đưa các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, nhất là hồ La Ngà 3 được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia, chính quyền vui mừng, người dân vô cùng phấn khởi. Bởi hồ này có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận và phía đông bắc tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, hồ La Ngà 3 có nhiệm vụ đảm bảo cấp và tạo nguồn cấp 1,31 tỷ m3 nước tưới cho gần 100.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cùng với đó, hồ này cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận; cấp 20.000m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai và cấp 300.000 m3/ngày cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, hồ La Ngà 3 còn có chức năng giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà. Đồng thời phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 31,5MW và cấp nước môi trường hạ du với lưu lượng 5,5m3/s.

Khi hồ La Ngà 3 xây dựng không chỉ đảm bảo nguồn nước cho nhiều tỉnh mà còn có chức năng giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà. Ảnh: Ban 7.

Khi hồ La Ngà 3 xây dựng không chỉ đảm bảo nguồn nước cho nhiều tỉnh mà còn có chức năng giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà. Ảnh: Ban 7.

“Tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với hàng triệu người dân được hưởng lợi từ dự án này”, ông Phước bày tỏ.

Được biết, công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà, được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006. Hồ này cũng nằm trong danh mục hồ chứa tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/2/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

Thế nhưng do chồng lấn với quy hoạch thủy điện trong lòng hồ thủy lợi nên nhiều năm nay không thể thực hiện được. Từ đó khiến 5 huyện phía nam của tỉnh Bình Thuận và khu vực đông bắc tỉnh Đồng Nai vẫn thiếu nguồn nước để phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng phó El Nino quay trở lại

Ông Nguyễn Hữu Phước cho biêt, dự báo El Nino quay trở lại sẽ vô cùng bất lợi đối với tỉnh Bình Thuận trong việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Sở NN-PTNT Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, Sở lưu ý các địa phương tập trung rà soát, xác định, cảnh báo các vùng chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo bố trí sản xuất cho phù hợp với khả năng về nguồn nước. Đồng thời chủ động điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích lúa ở vùng, khu vực hạn hán, chưa bảo đảm được nguồn nước sang canh tác cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.