Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm.
Loại bỏ thông tin giả!
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngày 20/3, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh này đã xuống dưới mức 40.000 đồng/kg. Như vậy, dù dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) còn đang ở phía bắc đèo Hải Vân, nhưng giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam, trong đó có thủ phủ heo Đồng Nai đã bị sụt giảm.
Người tiêu dùng cần tránh tâm lý bài trừ tiêu cực nhằm giúp người chăn nuôi tiêu thụ nguồn heo đảm bảo VSATTP |
Ông Đoán cho rằng, giá heo hơi giảm quá mạnh, là do chịu ảnh hưởng cùng lúc từ 3 “cơn bão”, đó là “bão” dịch bệnh, “bão” giá và “bão” thông tin. Bão dịch bệnh thì khỏi cần nhắc lại, chỉ cần biết rằng dù DTLCP vẫn còn mới chỉ xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng cũng đã tác động ít nhiều tới tâm lý người chăn nuôi, người tiêu dùng Nam Bộ. “Bão” giá là do lo ngại vì ảnh hưởng dịch bệnh, giá heo sẽ giảm mạnh, nên thời gian quá, đã có tình trạng bán chạy heo dù như bình thường thì phải vài tuần nữa mới tới thời điểm xuất chuồng. Việc bán chạy này đã tạo thêm sức ép làm giá giảm.
“Bão” thông tin là việc một số cơ quan truyền thông, mạng xã hội, tin truyền miệng … đưa thông tin một cách quá đà, thậm chí sai sự thật về DTLCP, nhất là thông tin sai sự thật khi cho rằng không nên ăn thịt heo vào lúc này để tránh nhiễm bệnh DTLCP, đã làm cho nhiều người tiêu dùng thiếu hiểu biết tạm thời quay lưng với thịt heo.
Với giá hơi chỉ còn chưa tới 40.000 đ/kg, người chăn nuôi Đông Nam bộ đã lỗ hay chưa? Ông Đoán cho biết, trước đây, giá thành chăn nuôi heo trên địa bàn vào khoảng 35.000 - 38.000 đ/kg. Nhưng từ khi xảy ra DTLCP, tuy dịch bệnh chưa vào Đồng Nai, nhưng mỗi tuần, các trang trại cỡ 100 nái đã phải chi thêm khoảng 1 triệu đồng cho công tác tiêu độc, khử trùng, rồi còn thêm chi phí nhân công để vận chuyển heo xuất chuồng ra xe đậu bên ngoài trang trại (do các trại không dám cho xe tải vào trong trang trại như trước nữa nhằm tránh lây lan virus gây bệnh)… Do đó, với giá như hiện nay, nhiều trại đã bắt đầu bị lỗ.
Tránh tâm lý bài trừ tiêu cực
Tiêu dùng thịt heo ở ĐBNB giảm mạnh do tâm lý ngại ăn thịt heo vào thời điểm này, thể hiện rõ qua lượng heo Đồng Nai về chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn, TP HCM) trong những ngày qua. Theo ông Đoán, trước đây, mỗi ngày/đêm, heo Đồng Nai về chợ Tân Xuân ở mức 4.000-6.000 con và được tiêu thụ nhanh chóng. Nhưng trong những ngày qua, lượng heo Đồng Nai về chợ đầu mối này đã giảm xuống còn dưới 4.000 con mỗi ngày/đêm mà tiêu thụ khá chậm. Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, cho hay, do tiêu dùng giảm mạnh, nên lượng heo mà công ty đưa ra thị trường trong những ngày qua cũng đã phải xuống đáng kể.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tâm lý của người tiêu dùng bây giờ mang tính quyết định với giá heo hiện tại cũng như những ngày tới. Vì thế, việc ưu tiên hàng đầu hiện nay các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rằng: DTLCP không gây bệnh ở người, qua đó, đừng ai quay lưng với thịt heo, quay lưng với bà con chăn nuôi, đừng bài trừ một cách tiêu cực!
Theo ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty C.P Việt Nam: Trước tình hình DTLCP đang xuất hiện tại nhiều tỉnh phía Bắc, C.P Việt Nam đang nỗ lực bằng mọi cách nhằm bảo vệ các trang trại của đơn vị thật tốt, tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đồng thời, C.P Việt Nam sẵn sàng tham gia hướng dẫn, giúp đỡ các trang trại ngoài hệ thống công ty, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh này.
Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn) để kịp thời có phương án chỉ đạo; Phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi lợn, tránh những tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm. |