| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 22/09/2022 , 15:01 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 15:01 - 22/09/2022

Nguồn lực y tế công có đáng lo ngại?

Để bảo toàn và phát triển cán bộ và nhân viên cơ sở y tế công, cần phải đánh giá lại nguồn nhân lực.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/9. Một trong những nội dung nổi cộm mà là tình trạng cán bộ và nhân viên y tế rời khỏi cơ sở y tế công để chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư nhân hoặc phòng khám tư nhân. Đây có phải là hiện tượng “chảy máu chất xám” không?  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Đó là do cơ chế chính sách. Bệnh viện công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang bệnh viện tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, có chạy sang Tây đâu mà sợ. Mình phải sửa chính sách công để giữ chân cán bộ”.

Thực tế những cán bộ và nhân viên quyết định bước hẳn từ “công” sang “tư” đều là những con người can đảm và tự trọng. Họ có thái độ chọn lựa mạch lạc cho nghề nghiệp của họ, tìm đến nơi mà họ cảm thấy sở trường được đắc dụng hơn, thu nhập được cải thiện hơn. Đáng sợ nhất là sự nhập nhèm giữa “công” và “tư” ở đội ngũ khoác áo blouse trắng. Rất nhiều bác sĩ chỉ làm việc cầm chừng ở bệnh viện công để lấy danh phận, rồi dùng toàn bộ trí lực kiếm tiền ở bệnh viện tư với các mác “chuyên gia lâu năm ở bệnh viện lớn X hoặc Y”. Ngoài ra, không ít bác sĩ tiếp nhận và chẩn đoán qua loa ở bệnh viên công, sau đó gợi ý cho bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng mạch của mình.

Để bảo toàn và phát triển cán bộ và nhân viên cơ sở y tế công, cần phải đánh giá lại nguồn nhân lực. Trình độ nhân lực y tế Việt Nam không thể kỳ vọng có được những phát minh hay những công trình đóng góp cho lĩnh vực y tế nhân loại trong tương lai gần. Thế nhưng, kỹ năng khám bệnh và chữa bệnh của bác sĩ Việt Nam lại rất tốt. Lý do, thể trạng người Việt vốn không cường tráng lại đối diện với môi trường sống ô nhiễm, nên bất kỳ căn bệnh nào cũng có biến chứng khó lường. Một bác sĩ ở bệnh viện công luôn có kinh nghiệm phong phú, khả năng ứng biến đa dạng để đưa ra phác đồ điều trị hữu hiệu.

Nguồn nhân lực y tế đang dịch chuyển từ “công” sang “tư” một phần vì chủ trương “xã hội hóa y tế” chưa vận hành đúng mục đích. Nhiều bác sĩ đã bày tỏ sự bất bình khi xã hội hóa y tế lại thực hiện bằng cách tư nhân bỏ tiền ra mua một thiết bị y tế đặt trong bệnh viện công, rồi chia nhau lợi nhuận. Nếu “công” và “tư” hợp tác như vậy thì tránh sao được hệ lụy “lợi ích nhóm”? Một khi “lợi ích nhóm” hình thành ở bệnh viện công, thì không những ảnh hưởng đến chất lượng y tế mà còn không thể nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.   

Bệnh viện công hay bệnh viện tư đều đặt mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thay đổi phương pháp quản trị của bệnh viện công và khuyến khích phát triển bệnh viện tư, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động khám bệnh và chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách cho bệnh viện công cần chú trọng kêu gọi sự chung tay của những nhà hảo tâm và những quỹ tài chính, để xây dựng mô hình hợp tác công tư phi lợi nhuận phục vụ sự nghiệp “lương y tư từ mẫu” mà nhiều quốc gia văn minh đã áp dụng thành công.