Sớm tổ chức hội nghị hướng dẫn trên toàn quốc
Tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác IUU ngày 21/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin về nội dung trao đổi với châu Âu trong chuyến công tác hồi cuối tháng 4/2024. Phía bạn cơ bản vẫn tập trung vào 4 nhóm khuyến nghị: Hoàn thiện khung pháp lý; Tăng cường quản lý tàu cá; Kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Trong 4 nội dung này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đánh giá, Việt Nam mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tiên. Mới nhất, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết 52/NQ-CP về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU. Ngoài ra, đầu tháng 4/2024, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 37 và 38/NĐ-CP, nhằm sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.
Tuy nhiên, ở 3 nhóm nội dung còn lại, Việt Nam đều còn hạn chế. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) chưa đạt 100%, trong đó nhiều tàu khai thác tại vùng khơi, vùng lộng; hoặc mất kết nối tại vùng biển giáp ranh.
Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản triển khai thiếu đồng bộ tại các cảng cá, do ngư dân chưa thực hiện nghiêm ghi chép nhật ký khai thác, bốc dỡ sản phẩm không theo cảng cá chỉ định... Thời gian gần đây, nhiều địa phương còn xuất hiện vấn đề chuyển tải trên biển, khiến một số loài cá chỉ xuất hiện ở vùng khơi lại được khai báo trong vùng lộng.
Tỷ lệ xử lý vi phạm tương đối thấp, theo số liệu của Cục Kiểm ngư là khoảng 10%. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều này khiến phía EC cho rằng, những biện pháp mà Việt Nam đưa ra chưa đủ sức răn đe.
Qua các buổi làm việc với EC, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đánh giá, châu Âu muốn nhìn thấy "sự tích cực của Việt Nam tại các điểm nóng chống khai thác IUU". Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, rằng lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC (dự kiến trong tháng 9 hoặc 10/2024) là "cơ hội cuối cùng", bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử. Nếu không thể xóa "thẻ vàng" dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.
Với tâm thế như vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT gấp rút tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, theo tinh thần hướng dẫn trước, rà soát sau và “không thể kiểm tra mãi mà chẳng biết mình sai ở đâu".
“Tôi đã đến hàng chục cảng cá, lật từng cuốn sổ ghi chép, nhiều lúc thấy ngượng với lãnh đạo địa phương vì đến rồi, hướng dẫn rồi nhưng chưa có chuyển biến gì một cách tích cực về chống khai thác IUU", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Ngay trong tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký Quyết định số 407/QĐ-BNN-KN thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của Bộ NN-PTNT, với Trưởng ban là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Trên tinh thần kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương, Cục Kiểm ngư - cơ quan thường trực chống khai thác IUU của Bộ NN-PTNT - tham mưu triển khai 90 ngày cao điểm chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển, bắt đầu từ tháng 6.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng thông tin, trong tháng 6/2024, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... sẽ thị sát tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Sang tháng 7 là các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Trong tháng 8 và có thể kéo sang tháng 9/2024, đoàn sẽ kiểm tra tại các tỉnh còn lại ở khu vực phía Bắc.
Giảm bằng được số lượng tàu cá vi phạm ở vùng biển quốc tế
Đồng tình với ý kiến của Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo cơ quan thường trực phải phân rõ vai trò, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nhất là địa phương, đúng với tinh thần "nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu".
Dựa trên 4 nhóm khuyến nghị của EC, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU yêu cầu Cục Kiểm ngư tăng cường kiểm tra, giám sát số tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài, nhất là việc tăng tỷ lệ xử lý vi phạm lên khoảng 30%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong 90 ngày cao điểm sắp tới.
"Lực lượng kiểm ngư phải đề ra kế hoạch phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Ngoài đàm phán, đối thoại cấp cao và kỹ thuật với EC, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nên tăng cường hợp tác quốc tế với những đối tác có quy định về kiểm soát sản phẩm thủy sản không vi phạm IUU để hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chống khai thác IUU và mở rộng thị trường cho Việt Nam.
Với Cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ rà soát đội tàu mất kết nối từ 6 tháng trở lên, kết hợp với công tác cấp phép lại đội tàu, nhất là với những tàu dài từ 24m trở lên. Cục có trách nhiệm phối hợp VASEP và chi cục các địa phương để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và xác nhận tàu cá ra vào cảng cá chỉ định.
"Giờ chúng ta không thể làm chung chung. Phải quán triệt rõ tới các cảng cá và chủ tàu, rằng tàu không vào cảng chỉ định là vi phạm", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Cùng với đó, Cục phối hợp địa phương tổng hợp, theo dõi, công bố danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu cá “3 không”. Bên cạnh hướng dẫn, Cục Thủy sản phải sớm ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cá ngừ vây ngực dài nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu sản phẩm thủy sản khai thác đối với loài cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài bằng tàu container.
Để công tác chống khai thác IUU hiệu quả, lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi ý việc thiết lập đường dây nóng và thiết lập kênh trao đổi thông tin chính thức về các trường hợp vi phạm IUU với các quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan, nhằm phối hợp ngăn ngừa các hoạt động vi phạm khai thác bất hợp pháp và giải quyết các vấn đề liên quan trên biển trên tinh thần hợp tác hữu nghị và nhân đạo.
Về phía địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24 giờ; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.
Cục trưởng Cục Thủy sản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của Bộ NN-PTNT Trần Đình Luân cho biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp Bộ Công an triển khai rà soát dữ liệu về tàu cá theo thông tin chủ tàu dựa trên ứng dụng VNeID. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 về vấn đề này, trong đó chỉ rõ việc tích hợp sẽ hoàn thành trước 1/7.
Bộ NN-PTNT hiện tập trung làm sạch dữ liệu, dự kiến hoàn thành trước 30/5, đồng thời chuẩn bị hạ tầng và thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản để khai báo lưu trú cho thuyền viên, chủ tàu.
Tuy nhiên, ông Luân thừa nhận, trang thiết bị của ngành thủy sản đã cũ kỹ, không đảm bảo việc lưu trữ dữ liệu và bảo mật thông tin. Ông kiến nghị Bộ NN-PTNT xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để đầu tư cho hạng mục này.