Theo kế hoạch, vụ hè thu - mùa 2018, Nghệ An gieo cấy 96.000ha lúa, trong đó lúa hè thu 58.000ha. Đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng gần 70% diện tích.
Hiện rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên 2.400ha lúa, trong đó có khoảng 900ha bị nhiễm mật độ từ 200 con/m2; nơi cao 700 - 1.000 con/m2. Diện tích nhiễm rầy tại các huyện Yên Thành trên 2.000ha, Diễn Châu 200ha, Quỳnh Lưu 200ha.
Rầy lưng trắng phát sinh trên lúa hè thu tại Yên Thành |
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN huyện Yên Thành cho biết, tính đến ngày 24/6, toàn huyện đã gieo cấy trên 12.000ha/12.500 ha lúa. Từ một tuần nay, rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên diện tích hơn 2.000ha, mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 500 con/m2. Đến thời điểm này, toàn huyện đã phun trừ được 1.400ha.
Tại huyện Diễn Châu, lúa đang ở thời kỳ bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh rộ. Một số xã giáp ranh huyện Yên Thành xuất hiện rầy lưng trắng, rầy nâu tuổi 1, 2 - trưởng thành gây hại trên những diện tích cấy sớm với tổng diện tích 200ha, mật độ nơi cao lên đến 750 - 1.000 con/m2. Đến nay, cơ bản diện tích nhiễm rầy cao đã được phun trừ kịp thời.
Vụ hè thu - mùa 2017, tại Nghệ An, bệnh LSĐ đã phát sinh gây hại ở 12 huyện với tổng diện tích nhiễm bệnh lên tới 5.525ha, trong đó có trên 2.763ha thiệt hại nặng. Vụ hè thu 2018, rầy lưng trắng, môi giới truyền bệnh LSĐ xuất hiện sớm khiến nguy cơ bùng phát bệnh LSĐ trên diện rộng.
Rầy lưng trắng khiến bệnh LSĐ có nguy cơ phát sinh, bùng phát tại Nghệ An |
Riêng tại huyện Yên Thành, vụ hè thu 2017 có gần 1.000ha nhiễm LSĐ, trong đó có 400ha mất trắng. Vụ hè thu năm nay, ngay sau khi rầy lưng trắng xuất hiện, địa phương đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt & BVTV test trên 300 mẫu rầy, trong đó phát hiện có 1 mẫu dương tính với virus LSĐ phương Nam tại xã Phú Thành. Đây cũng là xã có 195,8ha lúa bị bệnh LSĐ phương Nam gây hại trong vụ hè thu 2017.
Tại huyện Diễn Châu, những vùng sâu trũng có sự di chuyển của rầy trưởng thành lúa vụ xuân sang gây hại lúa hè thu. Đây là nguồn rầy có nguy cơ mang nguồn bệnh LSĐ rất cao do rầy phát sinh trên vùng đã bị bệnh LSĐ vụ hè thu 2017. Huyện đã tổ chức phân công cán bộ tập trung theo dõi, phân trà và xác định chính xác những diện tích có mật độ rầy cao; tham mưu các biện pháp kỹ thuật để tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo phòng trừ kịp thời.
Ông Trịnh Thạch Lam, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An cho biết: “Theo quy định chỉ thống kê những diện tích nhiễm với mật độ từ 50 con/m2. Tuy nhiên, vụ hè thu 2017, một số diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị LSĐ, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh nên phải thống kê để cảnh báo nông dân tích cực phun trừ.
Điều đáng lo ngại là, trong số 400 mẫu xét nghiệm thì có 2 mẫu dương tính với virus LSĐ, trong đó Yên Thành có 1 mẫu, Quỳnh Lưu có 1 mẫu. Trong khi đó, lứa rầy thứ 2 trong vụ hè thu - mùa nở rộ trong khoảng từ 13 – 17/6 khả năng có tỷ lệ rầy mang virus cao, phát sinh với mật độ lớn, trên diện rộng. Nếu không phun trừ kịp thời, rầy lưng trắng bùng phát thì nguy cơ phát sinh và bùng phát bệnh LSĐ trên diện rộng trong vụ hè thu - mùa là điều đã được dự báo trước”.
Kiểm tra tình hình phát sinh rầy trên lúa tại xã Hồng Thành, huyện Yên Thành |
“Nếu không phun trừ kịp thời, đặc biệt là ở các xã có diện tích lúa bị bệnh LSĐ gây hại nặng trong vụ hè thu 2017 thì bệnh LSĐ có nguy cơ bùng phát trên diện rộng trong vụ hè thu 2018”, ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN huyện Yên Thành cho biết. |