| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ cao dịch tả lợn Châu Phi từ tận dụng thức ăn thừa

Thứ Bảy 06/07/2024 , 13:35 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Một hộ chăn nuôi ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang vừa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn do vài con bị chết với kết quả xét nghiệm dương tính dịch tả lợn Châu Phi.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa vừa tiến hành kiểm tra đàn lợn của hộ ông Trần Đình Bình, thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) sau khi nhận tin có tình trạng bị chết.

Tại đây, cơ quan chức năng ghi nhận, tổng đàn của ông Bình nuôi có 22 con lợn thịt khoảng 3 - 4 tháng tuổi, trong đó 3 con đã chết. Cơ quan thú y đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi của Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm, kết quả đều dương tính dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, sau khi có kết quả dương tính, địa phương đã phối hợp cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn của hộ Bình với khối lượng 885kg.

Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại nuôi và nơi tiêu hủy lợn chết. Chính quyền xã cũng đã thông báo cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn được biết để triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, cũng như bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Đặc biệt, xã chỉ đạo các thôn yêu cầu các hộ nuôi thực hiện cam kết “5 không” theo quy định ngành thú y như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật chết; không giết mổ, tiêu thụ động vật bệnh, chết; không vứt sát động vật nuôi chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

“Để tăng cường phòng, chống dịch hiện xã cũng đã có văn bản đề xuất thành phố xin thêm 100 lít sát trùng để vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn xã”, ông Luật chia sẻ.

Về điều tra dịch tễ ổ dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho thấy, hộ ông Bình mua lợn từ hộ chăn nuôi lợn ở TP Cam Ranh. Quá trình chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa, kiểu nuôi chuồng hở. Chủ hộ chia sẻ lợn mới chỉ được tiêm phòng vacxin dịch tả lợn cổ điển, tai xanh và tụ huyết trùng.

Cách hộ ông Bình khoảng 500m hiện có 5 hộ chăn nuôi lợn khoảng 195 con, cơ quan thú y kiểm tra giám sát hiện tại đàn lợn bình thường chưa có dấu hiệu nghi mắc bệnh.

“Hiện nay, chưa xác định nguyên nhân gây bệnh, nhưng có khả năng chính là hộ nuôi lấy thức ăn dư thừa tại các quán, nhà hàng, nguy cơ mầm bệnh nằm tại đó”, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam vào sáng 5/7 và cho biết thêm, hiện toàn xã có 102 hộ chăn nuôi lợn với 3.893 con. Đến nay, địa phương chưa phát hiện thêm hộ nuôi có lợn bị bệnh, chết.

Xã Phước Đồng đã tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Xã Phước Đồng đã tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, để kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi không phát sinh và lây lan, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản đề nghị UBND TP Nha Trang chỉ đạo xã Phước Đồng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT tại Văn bản số 3114 ngày 14/6/2024.

Cụ thể, tổ chức, rắc vôi, phun thuốc vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh hộ có lợn mắc bệnh và các hộ xung quanh. Cũng như thành lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn và lấy mẫu đàn lợn nghi mắc bệnh để xử lý kịp thời tránh lây lan.

Bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác, giết mổ lợn nghi mắc bệnh, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép trên địa bàn.

Ngoài ra, địa phương phải thống kê lại toàn bộ số hộ nuôi lợn trên địa bàn xã Phước Đồng và ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi lợn không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ lợn nghi mắc bệnh và báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi phát hiện gia súc, bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, dịch tả lợn Châu Phi cũng đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng. Điều tra dịch tễ các yếu tố nguy cơ của ổ dịch cho thấy: hộ nuôi này mua lợn giống từ hộ chăn nuôi lợn ở TP. Cam Ranh và lợn nái đẻ ra nuôi; sử dụng thức ăn thừa, nuôi chuồng hở.

Đến ngày 24/6, ổ dịch trên đã qua 21 ngày nhưng không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thông báo kết thúc ổ dịch bệnh. Tuy nhiên đến cuối tháng 6 này lại xuất hiện ổ dịch mới.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.