| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ đổ vỡ chuỗi thủy sản xuất khẩu

Thứ Hai 30/08/2021 , 10:26 (GMT+7)

Hơn một nửa nhà máy cá tra tại ĐBSCL, nhà máy thủy sản ở Đông Nam Bộ đã phải dừng hoạt động. Nguy cơ đứt gãy chuỗi thủy sản xuất khẩu đang rất rõ.

Hơn một nửa nhà máy cá tra ở ĐBSCL đã phải ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hơn một nửa nhà máy cá tra ở ĐBSCL đã phải ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 (mũi 1) của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình là 40-50%. Trong đó, Cà Mau là địa phương có tỷ lệ tiêm nhanh và cao nhất.

Hiện nay đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL và nhà máy chế biến thủy sản ở Đông Nam Bộ đóng cửa.

Từ cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh lan xuống các tỉnh ĐBSCL thì các doanh nghiệp chế biến cá tra hứng chịu đầu tiên, khi có tới 50% doanh nghiệp tại một số vùng trọng điểm phải đóng cửa.

Hậu quả là cá tra nuôi tại ao của các công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Ở một số doanh nghiệp nuôi cá tra, thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu (3 địa phương dẫn đầu về sản lượng tôm của cả nước), diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%.

Tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa do không đáp ứng được “3 tại chỗ”, thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi thủy sản từ nuôi trồng đến xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi thủy sản từ nuôi trồng đến xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên, những nhà máy này cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn như: tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm...

Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại Bến Tre đã ngừng chế biến từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân xin nghỉ do lo ngại bị nhiễm bệnh. Để cầm cự sản xuất, một số doanh nghiệp cố gắng chế biến nghêu, nhưng giá thấp nên cũng đang xem xét ngưng hoạt động. Trong khi đó, không ít khách hàng nhập khẩu đòi hủy hợp đồng với lý do chậm tiến độ giao hàng.

Tại Đà Nẵng, sau khi tiến hành giãn cách xã hội, toàn bộ doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đóng cửa. Một số doanh nghiệp dự kiến thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất cầm cự nhưng thiếu trầm trọng công nhân chế biến sâu.

Một số doanh nghiệp tôm ở Đà Nẵng xác định mở cửa hoạt động trở lại thì chỉ thu mua tôm nguyên liệu để làm hàng tôm PD đơn giản. Tuy nhiên, giá tôm loại này của Việt Nam không thể cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador trên nhiều thị trường.

Tại các tỉnh ven biển như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang …, doanh nghiệp đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Cả ngư dân và doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn do một số cảng cá bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19.

Tỷ lệ công nhân và người lao động trong ngành thủy sản ở nhiều tỉnh ven biển đã được tiêm vacxin hiện còn rất thấp, chi phí cho hoạt động “3 tại chỗ” quá cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước 15/9, tình hình dịch bệnh ở các địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

100% doanh nghiệp được VASEP khảo sát, cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiện trước mắt.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, do dịch bệnh Covid-19, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường. Nhưng nếu như các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội và giá tôm sẽ tăng trở lại. Còn nếu muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua.

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy tôm bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. Nhưng với tình hình hiện tại, chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.