Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản. |
Ngày Đại lễ đang đến gần, nhà báo Diệu Ân, con gái cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, một trong những cây đại thụ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam (giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996) ấp ủ một dự định triển lãm ảnh của Nguyễn Bá Khoản với Thủ đô và giới thiệu 114 tấm ảnh tiêu biểu của nghệ sĩ in trong tập sách "Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản" do Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam tuyển chọn và công bố.
Nhà báo Diệu Ân kể: Cha tôi sinh ngày 3/7/1917 ở làng Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cụ nội và ông nội chúng tôi tham gia khởi nghĩa Cần Vương, một người anh của cha tôi đã tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn và bị đày biệt xứ.
Quê tôi có nghề mộc, ông nội tôi giỏi nghề này, nhưng cha tôi thì không thích, từ nhỏ ông đã mê chụp ảnh. Ông nội tôi hiểu được chí hướng của con trai, nhân một lần sinh nhật cha tôi, ông nội đã tặng món quà sinh nhật, là một chiếc máy ảnh. Từ đó chiếc máy ảnh trở thành "người bạn tri kỷ" với cha tôi và cũng là cây cầu nối con đường cha tôi đến với cách mạng.
Cha tôi tham gia cách mạng rất sớm từ thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương 1935-1939, khi ấy ông làm phóng viên cho các tờ báo của Đảng như Tin tức, Bạn dân... Ông là người đi đầu trong lĩnh vực ảnh thời sự báo chí, đặc biệt với những tấm ảnh chụp cuộc biểu tình của 25.000 quần chúng ngày 1/5/1938 tại Cung Đấu Xảo, Hà Nội. Sau thời kì Mặt trận bình dân, ông tiếp tục hoạt động cho nhiều tờ báo như Tin tức, Thời thế..., trong điều kiện hết sức khó khăn. Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, sau đó lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Thường Tín, làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời huyện Phú Xuyên. Trong những ngày này, ông đã ghi lại hàng trăm bức ảnh như: Chiếm trại lính Bảo an binh ở Hàng Bài; Mít tinh trước Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17/8; Cướp chính quyền tại Bắc Bộ phủ; Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình... Tháng 11/1945, ông được cử làm Trưởng phái đoàn thanh tra mặt trận Nam Bộ. Thời gian này, là phóng viên báo Cứu quốc, ông đã đi nhiều nơi trên khắp nơi chiến sự để chụp ảnh.
Nghe chị Diệu Ân thành kính kể về người cha kính yêu của mình, tôi hỏi: Sao chị thuộc như người chép sử vậy?
Chị Diệu Ân cười: Không chỉ vì ông là người nổi tiếng mà còn là người cha rất gần gũi thương yêu các con, nên con đường làm nhiếp ảnh của cha tôi, cả nhà tôi ai cũng thuộc. Chúng tôi nhớ và kể như trong Bách khoa toàn thư Việt Nam giới thiệu về cha tôi.
Cha tôi mất năm 1993, trước đó ông đã kịp làm tất cả những gì có liên quan đến cuộc đời ông và nhiếp ảnh. Sau hơn 60 năm cầm máy, cha tôi để lại một bộ tư liệu ảnh phong phú. Khi xây dựng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ông đã hiến 2000 phim gốc và 700 ảnh. Từ năm 1991-1993, ông gửi thêm 2000 phim gốc kèm 2000 ảnh có chú thích. Hiện nay, gia đình tôi còn lưu giữ gần 5 vạn phim của cha tôi để lại.
Việc cha tôi giao tặng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam gần 2000 phim gốc và 700 bức ảnh (lần đầu), khi ấy Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã coi việc làm của cha tôi là một nghĩa cử đẹp, mang tính nhân văn cao cả. Bộ trưởng cũng nhắc nhở Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam không chỉ bảo quản chu đáo tài sản văn hóa đó mà còn phải tiến hành lựa chọn, trưng bày giới thiệu với công chúng những hình ảnh hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc từ những năm 40 mà nghệ sĩ - chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản ghi được bằng hình ảnh.
Lời nhắc nhở của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã trở thành sự thực, 114 bức ảnh của cha tôi đã được tuyển chọn in trong tập sách “Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính của Nguyễn Bá Khoản” do Nhà xuất bản Quân đội phát hành.
Trước khi cha tôi mất 2 năm, năm 1991 với sự giúp đỡ Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, cha tôi đã tổ chức được triển lãm ảnh đầu tiên của mình. Cha tôi rất xúc động khi được Tổng Bí thư Đỗ Mười đến dự triển lãm và có bút tích ngợi khen. Tổng Bí thư viết: “Tôi rất xúc động khi xem triển lãm ảnh tư liệu của nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản. Đây là những tư liệu quý giá phản ánh chân thực sinh động nhiều sự kiện lịch sử chiến đấu giữ nước oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Mong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội, cùng với các cơ quan có liên quan có biện pháp giúp các nghệ sĩ lưu giữ những loại phim ảnh tư liệu quý như thế này và giới thiệu rộng rãi cho mọi người được xem, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân ta, nhất là giới trẻ...".
Trước khi về làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời huyện Phú Xuyên, Nguyễn Bá Khoản đã cùng với các nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, Võ An Ninh, Nguyễn Tiến Lợi - những người lính tiên phong của báo chí nước ta thời ấy - ghi chép được khá nhiều hình ảnh quý về cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám tại Thủ đô và sau đó là những hình ảnh quyết tử của chiến sĩ và đồng bào ta vì Thủ đô yêu quý trong 60 ngày đêm mùa đông năm 1946. Theo đoàn quân Nam tiến, 3 tháng chụp ảnh tại mặt trận Nam Bộ, ông trở ra Hà Nội được báo Cứu quốc giúp đỡ, tổ chức triển lãm 500 bức ảnh (đợt 1) và sau đó lại đi các chiến trường Nam Trung bộ, Tây Nguyên chụp thêm rồi lại tổ chức trưng bày đợt 2 với gần 200 bức ảnh mới.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng thì ảnh của Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh đứng từ góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà chép sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của cách mạng Tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.