| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hồi tưởng 40 năm đi, yêu và viết

Thứ Bảy 17/06/2023 , 17:21 (GMT+7)

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ở tuổi 68 từ TP.HCM ra Hà Nội để giới thiệu hồi ký ’40 năm đi, yêu và viết’ vào sáng 17/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi ra mắt hồi ký sáng 17/6 tại Hà Nội.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi ra mắt hồi ký sáng 17/6 tại Hà Nội.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, khi cha mẹ của ông đang trên đường từ Nam tập kết ra Bắc. Quê cha ở Bến Tre, quê mẹ ở Kiên Giang, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lớn lên ở Hà Nội.

Đất nước thống nhất, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân theo gia đình vào định cư tại TP.HCM. Không chỉ là một cây bút phóng sự từng gây ấn tượng mạnh mẽ trên báo Tuổi Trẻ và báo Lao Động, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng làm Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo cũng như tham gia đào tạo ngành báo chí.

Vậy thì khoảng thời gian để xác định “40 năm” cho cuộc “đi, yêu, và viết” là cột mốc nào. Có kẽ khởi điểm từ năm 1975. Bởi lẽ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hé lộ duyên cớ để viết cuốn hồi ký: “Từ khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút, tôi đã tự tặng cho mình câu slogan này. Khi nghỉ hưu (2015) tôi bắt đầu cho phép mình đo đạc, kiểm định, viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm báo gần nửa thế kỷ qua”.

Trong không khí kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã ra mắt hồi ký "40 năm, đi, yêu và viết" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Với độ dày 600 trang, cuốn hồi ký “40 năm, đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được chia làm 4 phần. Thứ nhất là ký ức về con đường vào nghề. Thứ hai là một số phóng sự nổi bật cùng những câu chuyện xung quanh phóng sự. Thứ ba là các bài viết thuộc lĩnh vực lý luận báo chí được bạn đọc quan tâm. Thứ tư là bài viết của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí đánh giá về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Có thể nói “40 năm, đi, yêu và viết” là cuốn sách hồi ký nghiệp vụ báo chí không thiên về lý thuyết mà đầy yếu tố thực tiễn và bài học kinh nghiệm. Trong các loại sách về nghề báo, định dạng như “40 năm, đi, yêu và viết” cũng thuộc loại hiếm hoi.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thổ lộ: “Tôi viết trang cuối cùng của cuốn hồi ký này đúng vào ngày tôi tròn 68 tuổi. Còn rất nhiều điều muốn nói và để nói, vì nghề cầm bút đã đem lại cho tôi một cuộc đời đẹp nhất, song tôi xin được dừng ở đây với suy nghĩ rằng: Khi tôi chào đời thì tôi khóc. Nhưng mai kia, khi chia tay cuộc đời thì tôi sẽ mỉm cười. Vì tôi đã được sống một cuộc đời ý nghĩa”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thích đi và chịu đi. Ông từng hai lần đi xuyên Việt bằng xe máy để viết phóng sự. Cho nên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Huỳnh Dũng Nhân đâu chỉ đi khi đang làm nghề. Đến nay anh vẫn đi hăng, đi nhiều. Tuổi đã sắp chạm bảy mươi, lại đã bị một lần tai biến khiến chân đi khập khiễng, lại cũng không bị thúc bách vì báo nữa, nhưng Huỳnh Dũng Nhân vẫn nay đây mai đó, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, đến đâu đăng hình lên Facebook cá nhân ngay tắp lự làm nhiều người trai tráng, khoẻ mạnh phải phục và ghen tị. Thì đó là do cái máu báo nó đã chảy sâu trong người”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có nhiều tác phẩm được độc giả yêu mến như “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Hai giờ dưới lòng đất”, “Con đường bia bọt”, “Voi ơi ta bảo voi này”, “Kính thưa osin”, “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối”...

Hồi ký dày 600 trang của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Hồi ký dày 600 trang của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Bên cạnh báo chí, tên tuổi Huỳnh Dũng Nhân cũng gắn bó nhiều với văn chương. Dài theo những chuyến đi của ông, không chỉ có báo mà còn có thơ: “Ở đó có một cánh đồng không mọc nổi hoa/ Tôi thương vách nhà hoang tàn chứng tích/ Tuổi 20 cô gái nghèo giấu sau mái ngực/ Cánh rừng nhờ truyền thuyết khỏi vô danh”.

Sự quan sát của một nhà báo và sự tinh tế của một nhà thơ mang lại cho Huỳnh Dũng Nhân một tâm thế riêng trong cuộc sống. Thỉnh thoảng Huỳnh Dũng Nhân đem kỹ năng phóng sự vào thi ca để phát hiện sinh động: “Người nông dân gác cày lên nằm nệm chung cư/ Loay hoay khóa chùm, ngổn ngang quy định/ Lối hành lang chia từng phần từng mảnh/ Rác cuối ngày sơ ý cũng phiền nhau/ Bán đất mua xe mấy chiếc biết để đâu/ Dăm loại phí nhà mình như thuê mướn/ Treo chậu hoa khó khăn tìm hướng nắng/ Nuôi con gà sợ gáy rộn láng giềng”.

Và đôi khi Huỳnh Dũng Nhân có bài thơ viết bằng lối trần thuật của một cây bút phóng sự cự phách: “Giữa chuyến bay trên cái nôi mây trắng/ Tiếng trẻ gào choàng tỉnh khách không trung/ Tiếng khóc lần đầu nghe trên 10 ngàn mét/ Nỗi âu lo sợ hãi cũng vô cùng/ Bỗng người mẹ cất tiếng ru đứa bé/ Giọng à ơi dịu ngọt đến nao lòng/ Ngỡ máy bay dịu dàng như cánh võng/ Bé mơ màng thiếp ngủ giữa mênh mông/ Câu ca dao ru lòng bao khách lạ/ Như mới thoáng qua cơn gió mát trên đồng/ Tuổi ấu thơ về trong bộn bề nỗi nhớ/ Ngoài trời lúc này 49 độ âm…”.

Với “40 năm đi, yêu và viết”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tự tổng kết hành trình cầm bút của mình một cách chân thành: “Từ rất sớm, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã rất đau đớn nghĩ rằng sao cuộc đời phũ phàng đến thế, đã cho tôi làm một con người, đã cho tôi một cuộc đời đáng sống thế này, rồi một ngày kia lại bắt tôi biến mất khỏi cuộc đời này mãi mãi. Và cũng từ rất nhỏ, tôi đã ý thức, đã khát khao, đã tâm niệm một điều rằng: Tôi phải Sống chứ không chỉ là Tồn Tại. Và suốt những năm tháng qua, nghề cầm bút đã đem lại cho tôi một cuộc đời đẹp nhất.

Cả trong cuộc đời lẫn trong nghề cầm bút, bản ngã luôn là yếu tố mãnh liệt nhất của tôi. Tôi cũng tự hứa với mình: Khi tôi chào đời thì tôi khóc. Nhưng mai kia, khi chia tay cuộc đời thì tôi sẽ phải mỉm cười. Vì tôi đã được sống một cuộc đời ý nghĩa”.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.