| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, thích cái mới, ghét sự rập khuôn

Thứ Sáu 17/06/2016 , 08:01 (GMT+7)

Theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Bùi Hạnh Cẩn “gánh” trên vai công tác báo chí, từ phóng viên, Phó Tổng biên tập báo, đến...

09-11-02_bhc
Nhà báo, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn

 

Nhà báo, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đang giữ nhiều kỷ lục trong làng văn nghệ Việt Nam hiện nay: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội và nếu kể thêm chiếu Thư pháp thì cụ đều dẫn ngôi vị quán quân!

Theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Bùi Hạnh Cẩn “gánh” trên vai công tác báo chí, từ phóng viên, Phó Tổng biên tập báo, đến Chánh Văn phòng Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khoá III,…

Thích cái mới, ghét sự rập khuôn

Bùi Hạnh Cẩn sinh năm 1919 tại thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình “con nhà Nho cũ”. Thân sinh là Đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Nam Định.

Từ trước cách mạng tháng Tám 1945 ông đã từng viết cho nhiều tờ báo nên có dịp tiếp xúc với nhiều các luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Tầng lớp nhà văn, nhà báo đi trước đã cho ông những bài học quí giá về nhiều mặt.

Những bài đầu tiên của ông xuất hiện trên các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức, Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà... chủ yếu bàn về các vấn đề văn hoá, văn học nghệ thuật.

Bùi Hạnh Cẩn là người thích cái mới, ghét sự rập khuôn. Chính vì vậy mà chàng thanh niên họ Bùi chỉ viết cho những tờ có nhiều cách tân về nội dung cũng như hình thức như Ngày nay (của nhóm Tự lực văn đoàn), Tiểu thuyết thứ Năm…

Thần tượng của ông là những nhà văn, nhà báo luôn đề cao sự sáng tạo, mở đường cho những trào lưu văn hoá, văn học, ngôn ngữ như: Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, Bùi Hạnh Cẩn rất ủng hộ sự hiện đại hoá ngôn ngữ báo chí của Hoàng Tích Chu.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bùi Hạnh Cẩn về công tác tại Nam Định. Tại quê nhà, ông đã tham gia viết tờ Nam Định kháng chiến. Tờ báo toả đi khắp các xã, huyện, đưa vào thành phố, làm tốt nhiệm vụ thông tin mà kháng chiến yêu cầu.

Khi vai trò của tờ Nam Định kháng chiến không còn phù hợp với tình hình mới, Báo Công dân ra đời. Báo do Chu Hà làm Thư ký toà soạn, Bùi Hạnh Cẩn lại tiếp tục làm cho Báo Công dân, sau bổ sung thêm Trần Lê Văn, Lộng Chương…

Cũng như phần lớn những nhà báo kháng chiến lúc đó, Bùi Hạnh Cẩn tỏ ra rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút của mình. Lúc ông viết truyện ngắn, kịch, làm thơ trữ tình, khi ông làm thơ trào phúng, ký, phóng sự, thậm chí đưa cả những tin chiến sự ngắn. Ông phụ trách mục “Trên đe dưới búa” với lối viết giản dị theo thể văn vần được bạn đọc rất hoan nghênh. Từ đó, hình thức này được nhiều nhà báo cách mạng thời bấy giờ vận dụng.

Sau ngày hoà bình lập lại (1954), Bùi Hạnh Cẩn chính là một trong những người sáng lập ra báo chí Hà Nội. Đầu tiên là tờ Thủ đô mà gần như ông phải quán xuyến hết phần nội dung của báo. Tiếp đến là tờ Thủ đô Hà Nội mà ông giữ cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung.

Dù ở vị trí nào - phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lí, một tác phong Bùi Hạnh Cẩn mà mọi người tiếp xúc với đều dễ dàng nhận thấy: chất phác, dễ gần, năng nổ, xông xáo. Với những kinh nghiệm trong quá trình làm báo trước đó, ông luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho các lớp nhà báo đi sau. Tuy vậy, khi hướng dẫn đồng nghiệp, Bùi Hạnh Cẩn không dùng lối cầm tay chỉ việc. Bao giờ ông cũng tôn trọng người viết, tôn trọng sự sáng tạo của họ, bắt họ phải động não.

Một lần, phóng viên Công Nghĩa Hoàn được giao đi viết bài phóng sự về làng mùa ở ngoại thành. Hôm sau bài được đăng 100 chữ. Phó Tổng biên tập Bùi Hạnh Cẩn hỏi nhỏ: “Bài viết gần 200 chữ, cắt đi còn lại thế có tiếc không?”. Công Nghĩa Hoàn còn lúng túng chưa biết nói sao thì ông Cẩn nói tiếp: “Thôi thông cảm. Hãy giữ lấy bản thảo, dăm ba năm sau xem bọn mình cắt đi có đúng không nhé”.

Còn nhà báo Lý Thị Trung kể rằng: “Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10), anh Bùi Hạnh Cẩn, Phó Tổng biên tập, bảo tôi: Chị cho một bài thơ nhé. Sáng mai đưa tôi. Hôm ấy tôi thức khuya để viết và sáng hôm sau nộp anh Cẩn bài “Hà Nội ngày mai”. Khi Liên Xô phóng vệ tinh lên mặt trăng, anh Cẩn lại bảo tôi làm thơ. Sáng hôm sau tôi nộp anh bài “Đà tiến hoà bình”. Cách đặt bài đột xuất như thế đã giúp tôi sáng tác kịp thời. Cảm ơn anh Cẩn”.

Trải qua gần 80 năm viết báo, bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo. Và thời gian đã tôi rèn nên một phong cách Bùi Hạnh Cẩn: lối viết giản dị, không hoa văn, bóng bẩy mà vẫn giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

Miệt mài trước ngưỡng bách niên

Cận kề tuổi bách niên, nhà báo Bùi Hạnh Cẩn vẫn miệt mài, cặm cụi cùng con chữ. Phận nghèo nhưng cái chữ không nghèo. Nay cụ vẫn tiếp tục dịch danh tác của các thi nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phạm Huy Lượng… theo đúng thể tài của thơ.

09-11-02_10
Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn

 

Gần 40 năm trước, đạp xe đạp lọc cọc qua Văn Miếu thì gặp trời mưa, phải ghé vào trú. Bất ngờ ông thấy Văn Miếu đang tổ chức dịch thơ. Trong đó có bản dịch thơ Nguyễn Du của Xuân Diệu. Ông thấy bài dịch hay, nhưng nguyên tác là thơ thất ngôn bát cú thì bản dịch lại theo thể lục bát. Ông thầm nghĩ thế là không ổn nên chăng hãy dịch theo đúng thể loại. Thơ của Nguyễn Du thì trả lại cho Nguyễn Du.

Vậy là cụ Cẩn đọc cho tôi nghe một bản phiên âm bài “Thăng Long” như sau: “Tản Lĩnh, Lô giang tuế tuế đồng/ Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long/ Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung/ Tương thức mỹ nhân khan bão tử/ Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông/ Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy/ Đoản dịch thanh thanh minh nguyệt trung”.

Bản dịch thơ của Bùi Hạnh Cẩn là: “Lô, Tản xưa rầy vẫn núi sông/ Bạc đầu còn được thấy Thăng Long/ Nghìn năm dinh lớn san đường cái/ Một mảng thành nay xóa cố cung/ Người đẹp từng quen giờ ẵm cháu/ Bạn chơi thời nhỏ thảy nên ông/ Một đêm vương vấn khổ không ngủ/ Tiếng sáo vi vu ánh nguyệt lồng”.

Có những câu thơ dịch của Bùi Hạnh Cẩn được nhà báo Hàm Châu tấm tắc khen và cho là một trong những câu thơ dịch hay nhất đem ra trao đổi với nhà nghiên cứu Vật lý quốc tế. Đấy là tôi đọc được trong sách của Hàm Châu, chứ phải hỏi, cụ Cẩn mới tiết lộ. Cụ vẫn thường chia sẻ những khi tôi tới hầu chuyện: “Người làm nghệ thuật, cố gắng bao nhiêu anh đạt bấy nhiêu, còn sức là còn phải cống hiến cho nghệ thuật”.

Nhắc đến một Bùi Hạnh Cẩn nhà văn, nhà báo, còn phải kể thêm một Bùi Hạnh Cẩn thi nhân. Hồn thơ đến từ tuổi hoa niên.

Trên tạp chí Tri Tân trước cách mạng tháng Tám, trong một cuộc trưng cầu ý kiến về “Những câu thơ Nôm hay” nữ sĩ Ngân Giang đã trả lời phỏng vấn nhà báo Phạm Mạnh Phan như sau:

“Theo ý tôi [Ngân Giang], thì những câu thơ Nôm sau này tôi cho là hay nhất, và thường ngâm nga những lúc canh tàn ngày vắng:

Một buổi lòng trai sầu thế sự

Con đò đưa tiễn bến sông Vân…”.

Đó là hai câu thơ của Bùi Hạnh Cẩn!

 

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất