
Anh Đinh Công Tuyến cùng tác phẩm tranh bột điệp về cảnh vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Phương.
Về với xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên, Quảng Ninh), chúng tôi có dịp ghé thăm không gian trưng bày và làm việc của họa sĩ Đinh Công Tuyến. Tại đây không chỉ có những bức tranh đến từ các chất liệu quen thuộc như sơn dầu, màu nước… mà còn có cả những bức tranh được làm từ bột điệp, mang sắc màu huyền ảo, lấp lánh.
Kể về hành trình đến với dòng tranh đặc biệt này, anh Tuyến bồi hồi nhớ lại: “Bên cạnh việc sáng tác tranh, tôi còn là giáo viên mỹ thuật tại trường học. Khi đó, vào năm 2014, tôi cùng học trò tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật từ chất liệu dân gian do tỉnh tổ chức. Sản phẩm được tạo ra là các tấm ép dùng để ốp, trang trí nhà cửa từ chất liệu vỏ điệp. Rất may mắn là sản phẩm đạt giải cao và được đánh giá cao”.
Sau lần đó, anh Tuyến ấp ủ dự định ứng dụng kết quả nghiên cứu đó để tạo nên một dòng tranh từ vỏ điệp. “Tôi nhận thấy điệp có rất nhiều tại Quảng Yên, lớp vỏ có ánh xà cừ rất đẹp, nếu kết hợp để làm tranh thì quả thật rất độc đáo và thể hiện được nét riêng có của địa phương. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm, cũng thất bại rất nhiều lần”, anh Tuyến chia sẻ.

Vỏ điệp được nghiền nhỏ, sao cho không bị quá vỡ vụn hay dày quá vì sẽ không tách được lớp xà cừ. Ảnh: Thanh Phương.
Vỏ điệp sau khi làm sạch sẽ được nướng trên bếp hồng ngoại ở nhiệt độ 800-1.000 độ C trong khoảng 15-20 giây, sao cho vỏ điệp chuyển từ màu sáng trong sang sáng đục. Tiếp đó nghiền nhỏ bằng tay để đảm bảo vỏ điệp không bị vỡ vụn hay dày quá, sẽ không tách được lớp xà cừ.
Sau công đoạn chuẩn bị bột, anh Tuyến quét đều keo nhựa epoxy lên một tấm mica trong suốt, tiếp đó phủ một lớp bột mịn lên toàn bộ bề mặt. Khi bề mặt khô sẽ tiến hành vẽ tranh lên đó. Và cuối cùng phủ thêm một lớp bột thô để tạo hiệu ứng thị giác đặc sắc khi có ánh sáng chiếu qua.

Trải đều keo nhựa lên tấm mica trong suốt và tiến hành rải bột điệp mịn. Ảnh: Thanh Phương.
“Với việc sử dụng keo nhựa sẽ giúp kết dính được lớp bột điệp, đảm bảo màu sắc và ánh xà cừ của bột điệp không bị biến đổi mà lại tăng độ bền cho tranh. Một điểm đặc biệt của dòng tranh bột điệp là họa sĩ có thể phóng tác tranh dựa theo một tác phẩm gốc”, họa sĩ Đinh Công Tuyến chia sẻ.
Hiện nay, thời gian hoàn thiện một bức tranh bột điệp nhỏ sẽ mất khoảng 20-30 phút, kích thước to hơn thì mất vài ngày cho đến vài tháng. Mức giá sẽ giao động từ khoảng 100.000 đồng đến vài triệu đồng.
Theo đánh giá, dòng tranh bột điệp vừa mang được tính riêng biệt gắn với chất liệu dân dã của địa phương, vừa có khả năng sản xuất với số lượng lớn, giá thành phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, từ năm 2017, sản phẩm tranh bột điệp đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành món quà lưu niệm đặc trưng của mảnh đất Quảng Yên.

Anh Tuyến phóng tác lại bức tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Thanh Phương.
Các đề tài sáng tác tranh bột điệp đa phần sẽ tập trung vào cảnh sắc quê hương đất nước, khung cảnh làng quê, các điểm đến du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh, tranh Đông Hồ,... Kể từ khi bày bán, sản phẩm tranh bột điệp đã thu hút đông đảo sự quan tâm và yêu mến của nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách du lịch.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Đinh Công Tuyến bày tỏ: “Mặc dù hiện nay các sản phẩm đã được bày bán tại một số địa điểm dừng chân cho khách du lịch nhưng số lượng bán ra chưa được nhiều. Tôi mong muốn rằng có thể biến tranh bột điệp trở thành một sản phẩm trải nghiệm tại các địa điểm du lịch để du khách có thể được trực tiếp tìm hiểu và làm tranh. Qua đó có thể lan tỏa về sản phẩm du lịch của địa phương và gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước".