Liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với hàng loạt cựu quan chức Đà Nẵng, trong đó, ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND giai đoạn 2006 - 2011) đang bị di lí ra Hà Nội để phục vụ điều tra.
Thủ thuật thâu tóm đất công sản
Ngoài các “siêu dự án” mà hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tiếp tay cho Vũ “nhôm” sai phạm thì hàng loạt nhà, đất công sản trong thời kỳ ông Minh và ông Chiến làm Chủ tịch đã được UBND TP Đà Nẵng bán cho Vũ “nhôm”. Bằng việc ra các quyết định, chủ trương giảm hệ số sinh lợi và tính lại giá trị nhà, đất mà không thông qua HĐND, ông Minh và ông Chiến có những dấu hiệu sai phạm khá rõ ràng, gây thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 đã ký ban hành chủ trương bán đất công sản “có lợi cho doanh nghiệp” |
Theo tài liệu của NNVN, trong giai đoạn làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ năm 2006 - 2011, ông Trần Văn Minh đã ký rất nhiều văn bản liên quan đến chủ trương bán nhà đất công sản và hàng loạt các dự án có dấu hiệu tiếp tay cho Vũ “nhôm” và các doanh nghiệp có góp vốn của Vũ.
Cụ thể, trong gian đoạn ông Minh làm Chủ tịch UBND, Đà Nẵng đã bán gần 200 nhà đất công sản. Điều đáng chú ý là những vụ mua bán và các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79).
Trên cương vị Chủ tịch Đà Nẵng, ông Minh là người đã ký Quyết định 8712 ngày 1/11/2007 của UBND thành phố Đà Nẵng, trong đó có nội dung giảm 10% tiền sử dụng đất trong các thương vụ mua bán đất công sản. Đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100%, không phân chia tỷ lệ với ngân sách Trung ương và nguồn thu này chỉ được dùng để chi đầu tư phát triển. UBND Đà Nẵng từng khẳng định việc thực hiện chính sách này là một trong những vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, nguồn thu ngân sách tăng lên hằng năm. Mặc dù vậy, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã có kết luận chủ trương này vi phạm.
Đối với Vũ “nhôm” và doanh nghiệp của ông ta, chủ trương trên của Đà Nẵng chính là “kim bài” để thâu tóm đất công sản. Nhờ vào các mối quan hệ, các “thủ thuật” mua bán và được sự hậu thuẫn của nhiều lãnh đạo Đà Nẵng, “Vũ “nhôm” và các doanh nghiệp, người nhà của ông ta đứng tên đã thâu tóm hầu hết các khu đất vàng ở “thành phố đáng sống”.
Điển hình là hàng loạt tài sản nhà, đất ở số 20 Bạch Đằng; 7 Bạch Đằng; 100 Bạch Đằng; 57 Lê Duẩn; 17 Lê Duẩn; 45 Nguyễn Thái Học; 47 Nguyễn Thái Học; 49 Nguyễn Thái Học; 86 Bạch Đằng; 2 Hải Phòng; 22 Cô Giang; 106 Trần Phú; 37 Pasteur; 39 Pasteur; 319 Lê Duẩn; 36 Bạch Đằng; 38 Bạch Đằng; 38 Bạch Đằng mở rộng; 34 Hoàng Văn Thụ… đã được UBND thành phố Đà Nẵng bán cho Vũ “nhôm” và các công ty của ông ta trong thời kỳ ông Trần Văn Minh làm chủ tịch.
Vào năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã kết luận các sai phạm về đất đai ở Đà Nẵng đã gây thất thoát hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó có số tiền 10% từ chủ trương bán đất công sản do ông Trần Văn Minh ký.
Kế nhiệm ông Minh, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014 tiếp tục “hỗ trợ” Vũ “nhôm” trong việc mua bán đất công sản.
Rõ ràng nhất là việc chuyển nhượng nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (quận Hải Châu) có diện tích 1.796,1 m2 (trụ sở cũ của Sở Tư pháp Đà Nẵng). Tài sản này được TP phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá hơn 83 tỉ đồng, trong đó giá trị nhà 4,2 tỉ đồng và đất hơn 79 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, ông Văn Hữu Chiến đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Cty CPXD Bắc Nam 79 được thuê nhà, đất nêu trên với mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh trong thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê với giá chỉ hơn 45 tỉ đồng.
Ngay sau khi được thuê với giá hời, Cty CPXD Bắc Nam 79 lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất với ý định triển khai dự án “Condotel Cassia Da Nang Riverside” quy mô tòa tháp 27 tầng với 317 căn hộ tiêu chuẩn 4 sao, được rao bán với giá hàng tỉ đồng mỗi căn hộ.
Lợi ích khủng và dấu hiệu trốn thuế
Ngoài việc trực tiếp tham gia đấu giá và dùng thủ thuật chuyển đổi mục đích, Vũ “nhôm” còn chọn những bước đi “lòng vòng” để thâu tóm đất.
Điển hình như tài sản nhà, đất công sản có diện tích 1.331,4m2 tại số 20 Bạch Đằng. Từ năm 2008, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương bán nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời thống nhất giảm hệ số sinh lợi để tính giá trị bán nhà từ hệ số 2.0 là 34,6 tỉ đồng theo đơn giá quy định xuống còn 1,3 là 22,8 tỉ đồng. Việc mua bán tài sản này Vũ “nhôm” không trực tiếp tham gia từ đầu mà “cài” em vợ là ông Nguyễn Quang Thành.
Lực lượng công an thu giữ tài liệu tại nhà ông Trần Văn Minh |
Nhìn vào hồ sơ 31 cơ sở công sản thuộc sở hữu nhà nước mà Đà Nẵng bán có dấu hiệu vi phạm có thể thấy, rất nhiều cuộc đấu giá Vũ “nhôm” tham gia trực tiếp, số còn lại được biến hóa dưới hình thức cho người nhà, người trung gian đứng ra tham gia rồi sau sau đó Vũ và công ty của ông ta mua lại với giá hời. |
Tháng 8/2009, UBND TP Đà Nẵng có văn bản số 4946 đồng ý chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất tại số 20 Bạch Đằng từ Cty cung ứng tàu biển sang cho ông Nguyễn Quang Thành, nhưng bằng chứng của việc móc ngoặc thao túng thể hiện, trên các biên lai nộp tiền vào ngân sách nhà nước từ tháng 7/2009, toàn bộ số tiền được nộp để nhận chuyển quyền sử dụng đất tại số 20 Bạch Đằng là do ông Nguyễn Quang Thành, ông Phan Văn Anh Vũ và bà Nguyễn Thị Phi Nga thực hiện. Số tiền phải nộp chỉ hơn 20,5 tỉ đồng, do được giảm thêm 10% do nộp tiền sử dụng đất một lần.
Theo qui định, Cty cung ứng tàu biển nếu mua nhà đang thuê và chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Quang Thành thì cả 2 bên phải thực hiện việc nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế Cty cung ứng tàu biển cũng như cá nhân ông Thành đã không thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào trong việc chuyển quyền nhà đất nói trên là có dấu hiệu hành vi trốn thuế.
Nhờ vào sự “hỗ trợ” của nhiều quan chức Đà Nẵng và những thủ thuật thâu tóm, Vũ “nhôm” đã mua đi bán lại hàng loạt tài sản vốn thuộc sở hữu nhà nước thu lợi khủng.
Đơn cử như lô đất tại địa chỉ 36-38 Bạch Đằng có tổng diện tích hơn 3.700 m2 có nguồn gốc là nhà đất công sản thuộc 3 cơ quan khách sạn Sông Hàn, TAND thành phố và khu tập thể trong khuôn viên khách sạn Sông Hàn. Nhà đất tại số 38 Bạch Đằng rộng 700m2 là một phần trụ sở TAND TP Đà Nẵng. Năm 2007, Cty CPXD Bắc Nam 79 được mua với giá hơn 12 tỷ đồng. Đến năm 2009 tiếp tục được UBND TP bán thêm 800m2 và khu tập thể nằm trong khuôn viên khách sạn Sông Hàn với giá 22 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm, công ty của Vũ “nhôm” không những không thực hiện cam kết nâng cấp khách sạn phục vụ phát triển du lịch địa phương mà chuyển nhượng dự án này với giá 113 tỷ đồng…
Việc mua bán tài sản nhà nước không thông qua đấu giá, hoặc tổ chức đấu giá nhưng bằng cách nào đó cuối cùng đều rơi vào tay Vũ “nhôm” và công ty của ông ta.
Cựu phó Tổng cục 5 “tiếp tay” Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng? Về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” của ông Phan Hữu Tuấn (cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cán bộ Bộ Công an), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ "nhôm" thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Thời điểm sai phạm của Vũ "nhôm" gây xôn xao dư luận, trên mạng xã hội xuất hiện một số văn bản có đóng dấu mật do ông Tuấn ký với nội dung gửi cơ quan ban ngành các địa phương tạo điều kiện giúp cho Cty CP xây dựng Bắc Nam 79 - là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) được mua các tài sản do nhà nước quản lý với giá ưu đãi. |