| Hotline: 0983.970.780

Nhà lá không có lỗi

Thứ Bảy 25/08/2018 , 09:05 (GMT+7)

Dừa nước là thứ cây trời ban một cách hào phóng cho Nam bộ. Miền Đông sông ít, khí hậu khô, chúng chỉ lác đác ở Đồng Nai. Bắt đầu dày ở ven Sài Gòn, đặc dần ở Long An và miên man từ sông Tiền đổ xuống. 

Chúng ưa nước lợ phèn, vững chãi bên tràm, bần, sú, vẹt, chỉ chịu thua cây mắm và cây đước bởi môi trường mặn ngắt. Biền lá trăm năm thổn thức trong câu ca, tiếng đàn, áng văn, tích tuồng… cùng với đom đóm, đèn dầu, nỗi niềm và chim bìm bịp.

img-9885162209567
Nhà lá Nam Bộ

Phàm là, trời đã cho thứ này thì trời không ban thêm thứ khác. Ruộng rẫy bãi bờ quanh năm lé đé, đất không thể làm ra gạch ngói, thi thoảng ống khói nghi ngút lên trời, ấy là lò đường và nhà máy xay xát lúa chứ tịnh không có lò gạch. Dân chúng thích nghi, đạm bạc nhà lá, khi nào thành điền chủ thì sẽ đặt mua vật liệu kiên cố qua thương hồ tận Đồng Nai. Ba trăm năm di dân khởi thủy bởi ghe lườn và buồm lá, một đứa trẻ của hôm nay cũng biết hết các tiện ích từ cây dừa nước: lá cho nhà cho vách, đọt cho lạt cho lá non để thắt đồ chơi, vỏ của bẹ già cho dây bền và… trái trong buồng dừa đẹp như hoa, bổ đôi ra ăn ngon kỳ lạ, nghe đâu, nếu nấu xơ của trái lên sẽ cho thứ thuốc có lợi cho đường ruột.

Chừng như có ba đẳng cấp nhà trong một ấp bất kỳ, trừ nhà tường sân gạch của điền chủ. Trung nông cận giàu, tức là có người ăn kẻ ở làm công, khuôn nhà sẽ cuốn gạch nền, cột kê đá táng, vách gỗ thường là ván cây mít trong vườn và mái lợp lá dừa xé đôi, xếp dài trên các cỡ đòn tay, kiểu các khu du lịch sinh thái bây giờ hay có. Lá dày đến mức mười năm mới phải lợp lại, cực kỳ khang trang. Trung nông cấp thấp nền nhà suôn, đất nện láng, vách dừng lá, mái đương nhiên cũng mái lá, khiêm nhường tao nhã. Nhà nào có đàn ông kém biết ngay, loại người siêng ăn nhác làm, nhà xập xệ, heo gà vịt rỉa rách cả chân vách và mảnh sân của họ, hỡi ôi, vàng cả váng phèn, không có lấy một cây kiểng!

Chiến tranh tan hoang hết cả. Dừa nước thành tường lũy che quân ta ngăn chận quân thù như trong câu hát. Hòa bình, nếu không có lá dừa nước thì dân miền Tây cuồn cuộn trở về từ những nơi tản cư tạm bợ sẽ lấy gì che nắng che mưa? Không ai có tiền để mua vật liệu tận Đồng Nai, mái tôn cũ gỉ sét cũng làm được nhiệm vụ “giẻ rách đỡ đầu ngón tay”. Bắt đầu xuất hiện nhà mái tôn cũ và vách lá dừa nước. Tôn cũ cũng phải có tiền mới xong, vô số người không mua nổi tôn cũ chứ. Vậy là trong mắt đồng bào các nơi khác, qua ti-vi, qua báo chí, nhà cửa xập xệ tuồng như gắn với bản chất của người miền Tây.

Mười lăm năm ở Hà Nội năm nào tôi cũng nghe người dân khu phố chỗ tôi phàn nàn mỗi khi xem lũ lụt ở miền Tây trên ti-vi, hoặc khi người ta rút hầu bao góp tiền cứu trợ. Họ đốp thẳng với tôi: “Sao bảo trong đó dễ sống, hay là dễ sống quá nên nhà cửa qua loa thế hả?”. Tôi những muốn độp lại “hãy hiểu thêm về chiến tranh đi, hãy hiểu thêm về lịch sử đi, hãy hiểu vì sao họ nghèo đi, hẵng phán!”.

Không ai phủ nhận Tây Nam bộ là vùng trũng về học vấn. Nhưng ngọn nguồn thì người ta không truy vấn sâu xa. Thứ nhất, chiến tranh trực diện kéo dài 20 năm và 10 năm cuộc chiến ở biên giới và trên nước bạn nữa, học hành làm sao? Thứ hai, địa hình trải theo kênh rạch, đất rộng người thưa, trẻ con dễ bị thất học. Thứ ba, thiên nhiên cho sẵn, mấy bước chân đã là biền lá nhưng muốn làm ngôi nhà kiểu trung nông cận giàu thời trước, phải có những bộ cột để đời. Thứ tư, hợp tác hóa tập đoàn hóa khiến nông thôn bị xé vụn, nạn bỏ nước, bỏ đất, bỏ xứ bắt đầu làm rỗng nông thôn. Thứ năm, khi chưa an dân thì đã là đô thị hóa cuốn gần hết trai gái ra đi nhưng chỉ có những đứa trẻ vứt về cho ông bà. Tóm lại, chưa kịp có chữ thì xác thân đã kêu gào đôi lứa, sinh nhai, vì vậy mà người đi cứ mang trình độ phập phù của mình đi và nông thôn, hãy cứ tiếp tục buồn đi nhé, không hứa hẹn gì đâu! Ấy là chưa nói biến đổi khí hậu và những con đập vô lương tâm ở đầu nguồn của các nước lân cận đã làm khó, làm kiệt vùng đất vốn được mang danh cây lành trái ngọt, gạo trắng nước trong!

Đến bây giờ vẫn không ít người nghèo với nhau ở một chiếu nhậu của Sài Gòn chỉ trích mấy gã miền Tây ngồi chung là “dân nhà lá”, “dân không biết ngày mai”, “dân hũ chìm”. Ấy là những người đàn ông miền Bắc miền Trung miền Đông và miền Tây rượu đế cóc ổi sau một ngày chợ xổm, làm vữa làm hồ, làm xe ôm làm khuân vác… Họ chỉ trích không sai nhưng chưa đủ. Nhà lá không có lỗi, lỗi là những người đã khiến cho người ta trũng, người ta dốt và không bao giờ có nổi một ngôi nhà đẹp như trong mơ.

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm