Chính phủ Cuba đã đóng cửa một số trường học, khu công nghiệp không thiết yếu và cho hầu hết công nhân về nhà trong thời điểm thiếu điện nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến giữa trưa ngày 18/10, nhà máy điện Antonio Guiteras có công xuất lớn nhất nước này đã ngừng hoạt động, gây ra sự cố lưới điện trên toàn quốc và khiến khoảng 10 triệu người mất điện.
Các quan chức không cho biết nguyên nhân đã khiến nhà máy bị hỏng. "Các nhân viên điện lực sẽ làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi khôi phục lại được lưới điện", Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nói trên X.
Tình trạng thiếu điện đã khiến các quan chức Cuba phải tạm dừng tất cả các dịch vụ không quan trọng của chính phủ trong ngày 18/10. Các trường học, bao gồm cả các trường đại học, đã phải đóng cửa cho ngày 20/10. Các hoạt động giải trí và văn hóa, bao gồm các câu lạc bộ đêm, cũng được lệnh đóng cửa.
Đến buổi chiều, các quan chức nước này cho biết họ đã bắt đầu thực hiện các bước để khôi phục điện nhưng quá trình này sẽ mất thời gian.
Hầu như tất cả các hoạt động thương mại ở thủ đô Havana đã bị đình trệ trong ngày 18/10.
"Chúng tôi đã đến một nhà hàng và họ không có thức ăn vì không có điện, bây giờ chúng tôi cũng không có internet", du khách người Brazil Carlos Roberto Julio, người vừa đến Havana, cho biết.
Thủ tướng Manuel Marrero vào cuối ngày 18/10 cho rằng tình trạng mất điện ngày càng tồi tệ trong vài tuần qua là do cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu nhiên liệu và nhu cầu điện ngày càng tăng.
Gió lớn do cơn bão Milton tuần trước đã làm tê liệt khả năng cung cấp nhiên liệu từ các tàu thuyền của Cuba ở ngoài khơi đến các nhà máy điện, các quan chức nước này cho biết.
Chính phủ Cuba cũng đổ lỗi do lệnh cấm vận thương mại của Mỹ, cũng như các biện pháp trừng phạt mới dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã gây khó khăn trong việc mua nhiên liệu và phụ tùng thay thế để vận hành các nhà máy điện.
"Mỹ không không có lỗi trong việc Cuba rơi vào tình trạng mất điện hôm 18/10, hay tình hình trạng thiếu năng lượng nói chung ở Cuba", một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết.
Trong khi nhu cầu điện tăng trong khu vực tư nhân của Cuba đang ngày một tăng, nguồn cung nhiên liệu lại liên tục giảm.
Venezuela, nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Cuba, đã giảm một nửa khối lượng xuất khẩu dầu đến hòn đảo này từ 60.000 thùng/ngày xuống còn khoảng 32.600 thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm, theo dữ liệu giám sát tàu và tài liệu vận tải nội bộ của Venezuela.
Nga và Mexico cũng từng bán nhiên liệu cho Cuba, nhưng đến nay đã giảm đáng kể các chuyến hàng đến hòn đảo này.