| Hotline: 0983.970.780

Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường

Thứ Tư 19/02/2020 , 08:44 (GMT+7)

Sáng 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường.

Ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước thì luôn quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Khó khăn chồng chất

Hằng năm, diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3 - 1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35 vạn hộ nông dân.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Giá đường thế giới và khu vực giảm thấp, tình trạng dư cung kéo dài, nhất là trong 3 niên vụ gần đây. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mía đường.

Theo Bộ NN- PTNT, niên vụ 2018 - 2019, diện tích, sản lượng mía tại phần lớn các địa phương (trừ 3 tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An) đều giảm. Một số ý kiến cho rằng, ngành mía đường chưa khắc phục được các vấn đề nội tại: Sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu, do công tác quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu còn chưa tốt. Nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa phát huy hiệu quả cao. Địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa.

Đồng thời, biến đổi khí hậu phức tạp làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía. Quy mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện, việc tổ chức đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường, tận dụng phế phụ phẩm và khâu phân phối sản phẩm chưa thật sự hiệu quả.

Phát biểu tại cuộc họp, chia sẻ với khó khăn của ngành mía đường, ngành có lịch sử 25 năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số thách thức lớn như nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia 12 FTA chứ không chỉ có ATIGA, điều đó càng đòi hỏi việc sản xuất phải gắn kết với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn ở vùng nguyên liệu. Thách thức nữa là tình trạng gian lận thương mại, tình trạng nhập khẩu đường thô, đường lỏng. Đặc biệt, tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất chưa thành công ở ngành mía đường. 

Nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền kinh tế tự cường, Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta có nhu cầu đường lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường nước ngoài thì đó là một sai lầm. Do đó, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường một cách phù hợp với điều kiện hội nhập.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Bên cạnh thách thức, Thủ tướng cho rằng, ngành mía đường cũng có nhiều cơ hội, đó là Chính phủ quan tâm chỉ đạo; thị trường, nhu cầu trong nước lớn, có những vùng, khu vực có thể tổ chức lại sản xuất ngành mía đường.

“Chúng ta không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt, nhưng cơ hội phát triển mía đường vẫn luôn rộng mở với Việt Nam nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn”.

Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không có chủ trương dẹp bỏ ngành mía đường, nhưng yêu cầu tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ cũng không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn ATIGA cho ngành mía đường.

Trước ý kiến của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng ngành mía đường Việt Nam tự tin đủ khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng nếu được bảo đảm các điều kiện sản xuất kinh doanh công bằng trong môi trường quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đảm bảo môi trường công bằng. Ngành mía đường phải tự đào thải nếu năng lực cạnh tranh yếu kém hơn các đồng nghiệp sản xuất mía đường trong ASEAN.

Cơ bản nhất trí với một số kiến nghị của Hiệp hội Mía đường, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN- PTNT tăng cường đầu tư hằng năm, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung.

Các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ và quy định quốc tế. Liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp.

Ban Chỉ đạo 389 tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại một cách quyết liệt hơn, xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến việc bảo kê nhập khẩu đường trái phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và xem xét cho vay vốn ưu đãi để trồng mía và chế biến đường ở những khu vực có hiệu quả, những nhà máy có hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần với ngành mía đường là “sẵn sàng cạnh tranh, bảo đảm cạnh tranh thắng lợi”.

Chúng ta sẵn sàng xóa bỏ mọi rào cản trong phát triển mía đường để tạo thuận lợi cho ngành mía đường phát triển theo thông lệ quốc tế.

Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách, cụ thể là có một chỉ thị của Thủ tướng sau cuộc họp này để đưa ra những biện pháp cho ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Các công ty, nhà máy đường hiện có phải tổ chức sắp xếp lại, cương quyết dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ làm mỗi sản phẩm đường mà không có sản phẩm sau đường phong phú, đa dạng, phù hợp với thị trường.

Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Hiệp hội Mía đường cũng như ngành nông nghiệp phải lo chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, quyền lợi của nhà máy.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành mía đường nghiên cứu một số mô hình thành công trên thế giới.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm