| Hotline: 0983.970.780

Mía đường qua mùa mật ngọt

Thứ Hai 01/07/2019 , 10:15 (GMT+7)

Những năm gần đây sự xuống dốc, teo tóp của các nhà máy đường ở ĐBSCL như hồi chuông cảnh báo.

17-43-07_nh_my_duong_phung_hiep_csuco_-_nh_hd
Nhà máy đường Phụng Hiệp (CASUCO).

Mới đây, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) - một doanh nghiệp từng được xem có thực lực mạnh nhất vùng với 2 nhà máy đường công suất lớn đang phơi bày vô số khó khăn, chấp chới bơi tìm đường vượt khó.
 

Đầy rẫy khó khăn

Ở ĐBSCL, Hậu Giang là tỉnh trồng mía lớn nhất vùng. Thời cây mía cực thịnh có trên 14.000 ha, sản lượng mía cây trên 1 triệu tấn. Nơi đây thổ nhưỡng phù hợp, cây mía tươi tốt cho năng suất 95 tấn/ha, cao hơn bình quân cả nước 30 tấn/ha và cao hơn 25 tấn/ha so với mức trung bình thế giới (70 tấn/ha).

Đặc biệt nông dân trồng mía Hậu Giang từng thiết lập kỷ lục đạt năng suất trên 200 tấn/ha. Hằng năm sản lượng mía đủ cung ứng cho 3 nhà máy đường công suất lớn của tỉnh.

Thế nhưng vài năm qua, diện tích mía giảm nhanh đến không ngờ. Trong niên vụ trước (2017-2018), các cán bộ nông vụ chuyên mía của tỉnh cho biết còn khoảng 8.500 ha.

Đến giờ khi vụ mía đường 2018-2019 kết thúc, theo số liệu của CASUCO đến ngày 10/6/2019 diện tích trồng mía tại Hậu Giang chỉ còn 6.000 ha, tương đương 400.000 tấn mía. Với lượng mía này không đủ cho 2 nhà máy đường của CASUCO chạy máy.

Kết thúc vụ mía đường năm 2018-2019, hai nhà máy đường CASUCO ép tổng cộng  trên 591.600 tấn mía, giảm 37,7% so vụ mía trước (950.200 tấn); SX được hơn 50.500 tấn đường, giảm hơn 43,5% so vụ mía trước (89.450 tấn).

Nguyên nhân do giá mía thấp, SX kém hiệu quả nên nông dân bỏ mía chuyển sang cây con khác. Phần nữa người trồng mía hạn chế đầu tư vào cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng mía giảm.

Về phía nông dân trồng mía, dù nhà máy đường thu mua mía 800 đ/kg, cao hơn giá mía của các nước khác nhưng do giá thành trồng mía trong nước cao nên người trồng mía cũng chỉ ở ngưỡng hòa hoặc lỗ. Cộng thêm với những thông tin bất lợi về ngành mía đường theo lộ trình xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020 theo cam kết trong ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, thuế nhập khẩu đường giảm xuống còn 0%) khiến nhiều hộ nông dân bỏ mía.

Về giá mía, do công ty phải cạnh tranh với đường nhập lậu giá rẻ, sản phẩm đường của nhà máy bán dưới giá thành, giá bán đường tại kho chỉ 10.000-10.500 đ/kg. Trong khi công ty phải duy trì giá mua mía 800 đ/kg (mía 10 chữ đường- CCS) tại nhà máy và thu hết lượng mía trong vùng nguyên liệu của công ty. Do vậy, CASUCO cho biết trong năm tài chính này khả năng thua lỗ khoảng 60 tỷ đồng.
 

Cách nào tháo gỡ

Trước tình thế này, CASUCO đang tính phương án tái cơ cấu SX mía đường theo hướng phải đóng cửa một nhà máy.

Bên cạnh đó, dù khó khăn nhưng năm nay CASUCO vẫn ký hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân với mức giá sàn 700 đ/kg (10 CCS) tại ruộng; tiến hành thu mua mía trực tiếp và đầu tư vật tư đầu vào giúp nông dân trồng mía giảm chi phí SX, nâng cao chất lượng mía.

Ban lãnh đạo CASUCO thừa nhận với mức giá mía 700 đ/kg (mức giá sàn, giá bảo hiểm) nông dân chưa có lãi nhưng công ty vẫn không thể ký thu mua cao hơn được.

Và nếu vụ mía tới công ty vẫn SX kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh với đường nhập lậu và gian lận thương mại thì CASUCO chỉ có thể mua mía 700 đ/kg.

Do đó khả năng vụ mía sau sản lượng mía sẽ giảm nữa, người trồng mía không lời và nhà máy sẽ phải đóng cửa.

17-43-07_khc_khoi_mi_duong_dbscl_-_nh_hd
Khắc khoải mía đường ĐBSCL.

Cũng cần thấy rằng, CASUCO và nông dân trồng mía ở Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực đầu tư, khai thác tiềm năng để chuẩn bị cho quá trình hội nhập. CASUCO đã đầu tư nâng cao công suất nhà máy phù hợp với vùng nguyên liệu, nâng cấp dây chuyền SX đường tinh luyện, liên kết SX phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi… nhằm gia tăng hiệu quả chuỗi SX mía đường.

Từ sau năm 1997, ĐBSCL có 10 nhà máy đường công suất lớn trên 1.000 tấn mía cây/ngày ở các tỉnh Long An 2 nhà máy, Hậu Giang 3 nhà máy và Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau mỗi tỉnh 1 nhà máy. Trong 3 năm qua một số nhà máy đường "rơi rụng", đóng cửa hoặc chỉ còn hoạt động cầm chừng. Các nhà máy đường ở Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre…lần lượt bán thiết bị, di dời.

Bên cạnh đó, cùng với nông dân chuyển đổi giống mía mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng mía và hạ giá thành SX. Kết quả bước đầu chất lượng mía đã được nâng lên. Trong 22 năm qua cây mía Hậu Giang có đầu ra ổn định so với một số cây trồng khác.

Dù với tất cả những nỗ lực như vậy nhưng yếu điểm lớn nhất trong cạnh tranh của cây mía ĐBSCL chính là hiện trạng SX manh mún, nhỏ lẻ, trồng mía và thu hoạch thủ công. Nền đất yếu, cơ giới hóa trong SX mía khó thực hiện. Nông dân trồng mía chưa được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đầu tư máy móc cơ giới…Do vậy việc chi phí SX mía vẫn còn cao so với các nước có ngành mía đường SX qui mô vùng nguyên liệu rộng lớn và đã cơ giới hóa từ lâu.

Như vậy tìm cách nào ngành mía đường và nông dân có thể giữ được vùng trồng mía ổn định? CASUCO kiến nghị Nhà nước xử lý vấn nạn buôn lậu đường, gian lận thương mại. Nhà nước cần đánh giá đầy đủ và khách quan tác động của hội nhập đến ngành mía đường, nhất là khi xóa bỏ hạn ngạch nhập đường. 

Áp dụng chính sách thuế và hạn ngạch nhập đường lỏng (HFCS) do cạnh tranh bất bình đẳng với đường nội. Có chính sách hỗ trợ nông dân SX, hình thành HTX trồng mía cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa và khâu thu hoạch mía…

Mía đường ở ĐBSCL chưa hẳn đã qua mùa mật ngọt. Vẫn còn những nông dân theo đuổi nghề trồng mía và nhà máy đường đang tìm đủ phương cách để canh tranh, giữ một ngành từng tồn tại mấy chục năm qua.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.