Nhà thơ Bùi Kim Anh vốn là cô giáo dạy Văn được nhiều thế hệ học trò Thủ đô yêu mến, trước khi bước vào con đường sáng tác thi ca. Nhà thơ Bùi Kim Anh đối mặt không ít ngổn ngang trắc ẩn, vì người phụ nữ trong gia đình có nhiều sự kiện được xã hội quan tâm, như người chồng Trần Mai Hạnh chìm nổi sóng gió quan trường, như người con gái Trần Mai Anh nhận nuôi “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân.
Ở tuổi 75, nhiều người không còn thiết tha chữ nghĩa nữa, nhưng nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn lặng lẽ viết. Tập thơ “Thức bước thời gian” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN vừa ấn hành, là tác phẩm thứ 12 trên hành trình đam mê của nhà thơ Bùi Kim Anh.
Chiều 22/4, nhà thơ Bùi Kim Anh tổ chức lễ ra mắt “Thức bước thời gian” tại Cà phê sách Tổ Chim Xanh trên phố Đặng Dung, quận Ba Đình, Hà Nội với niềm riêng “vì sao hôm nay nhiều nắng/ bởi vì mây trắng lững lờ/ vì sao lòng ta yên tĩnh/ bởi vì người lắng nghe thơ”.
Nhà thơ Bùi Kim Anh có thói quen không sử dụng chữ viết hoa ở đầu mỗi câu thơ và cũng không dùng dấu chấm hoặc dấu phẩy để chia nhịp, ngắt ý. Có lẽ, chị muốn độc giả phải thực sự chú tâm vào mỗi đoạn mỗi dòng, để tìm ra đôi chút thú vị của sự đồng cảm.
Tập thơ “Thức bước thời gian” dày gần 200 trang, bao gồm 120 bài thơ. Tuyển tập ư? Không phải, tất cả đều là thơ chị mới viết trong thời gian gần đây. Đó là gửi gắm của một người đàn bà “đi mãi chưa hết căn nhà/ viết mãi chưa hết cuộc đời/ ngã rồi lại đi/ xóa rồi lại viết” vừa trải qua giai đoạn đại dịch toàn cầu căng thẳng “bình thản ta đi dạo hàng quán mua một ngày chợ/ những quán hàng nửa đóng nửa mở người bán nửa trong nửa ngoài”.
Nhà thơ Bùi Kim Anh không có cao vọng gì về sự nghiệp văn chương to tát. Chị viết như một sự giãi bày. Nói cách khác, thi ca cho chị cơ hội trò chuyện với chính mình, trò chuyện với cuộc sống. Vì vậy, chị níu lấy vần điệu mỗi ngày, như hít thở, như vận động, như nghĩ suy: “chuồn chuồn ngủ ngọn tre pheo/ có cơn gió mát lại treo giữa trời/ gọi về một chốn thảnh thơi/ nơi hoa cỏ biết nói lời thi nhân/ gọi sang kiếp ấy phù vân/ thơ ta chỉ viết được ngần ấy thôi/ rải ra trong một cuộc chơi/ là trang giấy mỏng ngả phơi nỗi chiều”.
Chưa từng vụt lên thành một hiện tượng và cũng chưa từng được ca ngợi ồn ào trong giới nữ sĩ, nhưng thơ Bùi Kim Anh bền bỉ và xao xuyến. Từ tập thơ đầu tiên “Viết cho mình” in năm 1995 đến nay, chị có thêm nhiều khoảnh khắc “Cỏ dại khờ” để “Bán không cho gió” mà gặp “Lời buồn trên rêu” của chuỗi ngày “Đi tìm giấc mơ” bỗng nhận ra bản thân đã “Tóc trắng nắng mai”.
Đọc tập thơ “Thức bước thời gian”, không khó khăn gì để thấy rằng nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn chất chứa nhiều ưu tư. Chị tự cảnh tỉnh “rồi mỗi ngày sống ảo/ lời thơ cũ chơi vơi/ đi từ nhà ra ngõ/ chẳng buồn cũng chẳng vui” và cố gắng “giữ lại riêng một góc nhỏ nhoi/ không đủ sức ngày ngày va chạm/ những rắc rối mỗi khi giáp mặt/ đôi chân yếu rồi không thể bon chen/ nói cả một thời giờ lặng im/ lời khen chê trong sách còn thay đổi/ ta đã cũ lời đúng sai cũng cũ/ ta đã già nhịp điệu cũng lạc đi”.
Sinh ra ở Thái Bình nhưng lớn lên ở Hà Nội, nhà thơ Bùi Kim Anh lắm phen chột dạ “ký ức trống không trong định nghĩa về làng/ ta máy móc ghi khai sinh nguyên quán/ ta ở phố chật lòng theo phố/ giấc mơ cũ làng quê xưa cũ/ men theo chuyện kể của bà”. Chị không để nhớ thương nhẩn nha hoài niệm mà luôn truy vấn kỷ niệm “đánh rơi vào bãi cỏ lau/ hình tôi hôm ấy/ không tìm thấy/ bãi cỏ lau giả bộ hoang vu/ lấp hình tôi hôm ấy”.
Thời gian chẳng chịu nhường nhịn ai. Thời gian cứ vô tình trôi đi, mặc kệ mọi thành bại, mặc kệ mọi ngọt đắng. Nhà thơ Bùi Kim Anh hiểu điều ấy “nhận âm thầm/ để ung dung/ chén trà nhạt/ nỗi riêng chung/ nhạt dần/ khép lòng/ lại mở bước chân/ trong hoang tưởng/ những miền gần miền xa” và chọn lựa một thái độ ứng xử nhẹ nhàng “lúc buồn tôi gọi tôi ơi/ trong mơ tôi gặp cả người lẫn ma/ lối quen lại trở về nhà/ mò mẫm tôi bóng lạc ra phía đường”.
Tập thơ “Thức bước thời gian” được nhà thơ Bùi Kim Anh viết trong những ngày Covid-19 với nhiều sẻ chia “Hà Nội mùa thu hàng cây tỉnh giấc sau mưa/ khép lại những lối ngõ chăng dây lặng lẽ/ lác đác thêm người đàn bà như ta đi chợ sớm/ những chấm nhỏ di chuyển chậm trên đường”. Dịch bệnh cũng như thiên tai, khó ai đoán khó ai ngờ. Một nhà thơ nhạy cảm như chị càng thấy xao xác hơn “tâm mình độ lòng mình thôi/ kinh đại bi đọc vấp lời nhân gian” và càng rối bời hơn để tìm kiếm phút giây an lành “bây giờ tôi dựa vào tôi/ hoàng hôn dựa vạt nắng rơi cuối chiều”.