Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh ngày 8/2/1940, quê quán Hà Nam. Sau khi tham gia bộ đội, nhà thơ Trúc Thông theo học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà thơ Trúc Thông được xem như một nhân vật có ý thức đổi mới thơ Việt. Ngoài các tập thơ “Chầm chậm tới mình” in năm 1985, “Maraton” in năm 1993, “Một ngọn đèn xanh” in năm 2000, “Vừa đi vừa ở” in năm 2005... nhà thơ Trúc Thông còn có vài tập tiểu luận về thơ như “Văn chương ngẫu luận” in năm 2003 hoặc “Mẹ và em” in năm 2006.
Nhà thơ Trúc Thông say đắm cải tiến thơ và không ít lần trình bày quan điểm nghệ thuật của mình cũng bằng những câu thơ: “Nhà thơ ơi/ dịu dàng ngọn gió/ anh đi qua những bức tường/ người ta nhìn rõ bóng anh qua/ ôi áo ngực gầy/ máu rỏ vài ba chữ/ Và người ta điên cuồng đuổi theo/ tận thẳm cùng bóng tối/ xa, xa mãi/ trăng trắng mười lăm dòng”.
Nhà thơ Trúc Thông sốt ruột với những chuyển biến tân kỳ của thi ca và luôn khao khát tìm kiếm những cung bậc cảm xúc mới cho thơ. Thế nhưng, bài thơ thành ông nhất của ông, được công chúng yêu mến nhất lại là “Bờ sông vẫn gió” viết theo thể lục bát truyền thống.
“Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... Một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi”.
Nhà thơ Trúc Thông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Từ ngày bị tai biến, nhà thơ Trúc Thông “vừa đi vừa ở” khá nhọc nhằn. Ông biết số phận cũng “chầm chậm tới mình” nhưng ông vẫn thèm được “maraton” với thơ. Bây giờ, nhà thơ Trúc Thông đã đi mãi về phía “bờ sông vẫn nhớ”, gửi lại “một ngọn đèn xanh” cho người yêu thơ thế hệ sau.