Nhà thơ Võ Chân Cửu sinh năm 1952 tại Bình Định. Từ tuổi đôi mươi, nhà thơ Võ Chân Cửu đã được giới văn chương Sài Gòn biết đến qua hai tập thơ “Tinh sương” và “Đại mộng”. Sau năm 1975, nhà thơ Võ Chân Cửu có nhiều năm gắn bó với báo Nông Nghiệp VN bằng bút danh Hưng Văn.
Nhà thơ Võ Chân Cửu tên thật là Văn Hưng, nên khi làm phóng viên báo Nông Nghiệp VN thì ông đổi ngược thành bút danh Hưng Văn. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Hưng Văn và Quang Ngọc là cặp phóng viên cực kỳ năng động của báo Nông Nghiệp VN ở chi nhánh TPHCM. Sau khi rời báo Nông Nghiệp VN, phóng viên Hưng Văn quay lại văn chương, và chủ yếu xuất hiện với tư cách nhà thơ Võ Chân Cửu.
Cuộc đời Hưng Văn - Võ Chân Cửu nhiều lần đận, nhưng ông chưa bao giờ rời xa bút mực. Khoảng hơn một thập niên qua, ông chuyển lên sinh sống tại Bảo Lộc - Lâm Đồng và chuyên tâm sáng tác và nghiên cứu văn học. Ngoài hai tập thơ “Ngã tư vầng trăng” và “Trước sau”, nhà thơ Võ Chân Cửu còn phát hành ba cuốn chân dung - tiểu luận là “22 tản mạn”, “Theo dấu nhà thơ” và “Vén mây”.
Từ chốn an cư mới Bảo Lộc - Lâm Đồng, thỉnh thoảng nhà thơ Võ Chân Cửu tạt về TPHCM để ghé thăm đồng nghiệp báo Nông Nghiệp VN. Trong câu chuyện của nhà thơ Võ Chân Cửu bao giờ cũng nhắc đến sự dang tay đón nhận của hai ông Lê Nam Sơn và Phí Văn Điển những ngày ông về báo Nông Nghiệp VN làm phóng viên Hưng Văn.
Nhà thơ Võ Chân Cửu có khuôn mặt gồ ghề rất ra vẻ “anh chị giang hồ” nhưng tính tình rất hiền lành. Thời gian lâm bạo bệnh, ông vẫn gắng gượng chịu đưng một mình, vì không muốn phiền lụy bạn bè cầm bút. Lúc 18h30 ngày 23/12, ông đã lặng lẽ vĩnh biệt thế gian, hưởng thọ 69 tuổi.
Chia tay nhé, Hưng Văn - Võ Chân Cửu! Đồng nghiệp báo Nông Nghiệp VN vẫn luôn nhớ đến ông, nhớ đến nhà báo Hưng Văn đầy nhiệt huyết với những trang bút ký nóng bỏng thời sự, và nhớ nhà thơ Võ Chân Cửu với những câu thơ lãng đãng: “Sớm về phía mây tụ/ Chiều đến nơi mây tan/ Phải nơi này chốn cũ/ Trên mặt đất còn hoang/ Trời rộng đau gió hú/ Ôi hư không tràn lan”.