Những ngày này, chủ các vườn địa lan tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đành phải cắt cành bán cho thương lái hoặc các shop hoa tươi vì số lượng hoa phục vụ thị trường Tết Tân Sửu 2021 đều đã bung nở.
Ông Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại, Dịch vụ DALATA (đường Tô Hiến Thành, phường 3, TP Đà Lạt) cho biết, doanh nghiệp của ông đã liên kết với hàng chục hộ dân địa phương để sản xuất địa lan, lan hồ điệp phục vụ Tết. Tuy nhiên, địa lan nở sớm đã khiến việc kinh doanh không được như kế hoạch.
“Năm nay địa lan Đà Lạt dự kiến mất khoảng 70-80% sản lượng do hoa đã bung nở. Do vậy, thị trường địa lan Tết dự báo sẽ rất khan hiếm”, ông Đỗ Văn Ẩn nói và cho biết thêm, thị trường khan hiếm địa lan nhưng chưa thể khẳng định giá hoa sẽ lên cao do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Hiện, Công ty DALATA đang cố gắng tìm các nguồn cung ở nơi khác và phải đẩy mạnh mua vào lan hồ diệp cũng như các dòng hoa cao cấp khác để phục vụ thị trường Tết.
Tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), gia đình ông Trương Thành đang duy trì sản xuất địa lan trên diện tích 4 sào (4.000 m2). Ông Thành cho biết, gia đình ông làm địa lan cắt cành phục vụ thị trường thường xuyên và cả vụ Tết. Tuy nhiên, số địa lan mà gia đình tập trung vụ Tết đều đã bung nở nên ông phải cắt cành bán cho cửa hàng hoa tươi.
“Khách đã đặt mua địa lan Tết với giá 200.000/cành, thậm chí có loại lên đến 600.000 đồng/cành và từ 1-4 triệu đồng/chậu tùy vào cành hoa. Vậy nhưng số đó đã bung nở nên gia đình chỉ bán được với giá từ 50.000-80.000 đồng/cành”, ông Thành buồn rầu.
Hiện nay, ông Thành đang sản xuất các loại như địa lan vàng New Zealand, xanh New Zealand, vàng hoàng hậu, vàng mít, cam lửa, vàng chanh… Để níu kéo lan nở đúng Tết, gia đình ông Thành đã hạn chế bón phân, dùng lưới đen che bớt ánh sáng cùng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhưng bất thành.
Theo chủ vườn, nguyên nhân dẫn đến địa lan nở sớm là do năm 2020, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có sự chênh lệch cao, mưa nhiều… Hơn nữa, năm nay nhuận tháng 4 âm lịch nên Tết muộn hơn 1 tháng.
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện Đà Lạt có trên 35ha lan các loại với sản lượng khoảng 400.000 cành và đa số được chăm sóc trong nhà lưới, kính công nghệ cao.