| Hotline: 0983.970.780

Nhân giống đệ nhất đặc sản biển: “Chim, thu, nhụ, đé”

Thứ Hai 28/07/2014 , 08:09 (GMT+7)

Cá nhụ không xa lạ gì với người miền Bắc bởi từ xa xưa nó đã được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc vào hàng tứ phẩm “chim, thu, nhụ, đé”. 

Ngoài thịt ăn một lần nhớ mãi, một giá trị khác của cá nhụ chính là cái bong bóng rất quý.

Cá nhụ có thể sống trong cả môi trường nước lợ lẫn nước mặn với kích cỡ trưởng thành dài trung bình 55 – 70cm, khối lượng 5 - 7kg. Người ta từng bắt gặp ngoài tự nhiên có con cá nhụ chiều dài tới 2 m, khối lượng đạt 145kg.

Giống cá quý này đang bị suy giảm nhanh chóng. Năm 1990 sản lượng khai thác cá nhụ trên thế giới đạt 12.125 tấn và kể từ đó tụt dốc không phanh, đến năm 2001 chỉ còn 1.770 tấn.

Trước tình hình đó, nhiều nước đã tập trung nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá nhụ thương phẩm. Đài Loan đứng đầu thế giới trong việc sản xuất thành công giống cá nhụ từ năm 1996. Những năm gần đây giống cá nhụ của Đài Loan đã được xuất sang nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Thái lan, Indonesia, Singapore, Philippine...

Theo thông tin từ Hiệp hội sản xuất cá biển Đài Loan, năm 2007 họ đã sản xuất được 11,3 triệu con giống, năm 2008 được 9,7 triệu con và năm 2009 được 10,6 triệu con.

Trung Quốc tuy mới thành công trong sinh sản nhân tạo cá nhụ nhưng đã lập một cột mốc ấn tượng khi sản xuất được tới 4,5 triệu con giống/năm. Ngoài ra, Singapore và Malaysia cũng đã công bố sản xuất thành công giống cá nhụ nhưng số lượng chưa đáng kể. Về mặt thương phẩm, người ta thường nuôi cá nhụ trong các ao đầm nước lợ, trong các trang trại nuôi tôm sau khi bị dịch bệnh và nuôi lồng bè.

15-28-07_dsc06853

Cá nhụ là loài lưỡng tính, ban đầu là cá đực sau đó chuyển sang tính cái khi đạt kích cỡ và độ tuổi lớn hơn. Vì vậy, quần thể cá nhụ ngoài tự nhiên ngày càng giảm đi do cá cái thường bị khai thác quá mức khi chúng đạt tới kích cỡ đánh bắt.

Ở Việt Nam, cá nhụ được xác định có phân bố tự nhiên tại vùng biển phía Bắc và cả trong các ao đầm có diện tích lớn. Giá cá nhụ có trọng lượng trên 2 kg luôn từ 400.000 - 450.000 đồng/kg và nói chung rất hiếm. Đến nay, các nhà khoa học đã điều tra được vùng phân bố tự nhiên của cá nhụ ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.

Họ cũng đã xây dựng được biện pháp kỹ thuật thu gom cá tự nhiên, vận chuyển sống và thuần hóa loài cá này trong ao. Đây là loài cá hoang dã, sống nổi, hoạt động mạnh nên công việc thu gom, vận chuyển sống, thuần hóa tốn rất nhiều thời gian, kinh phí và công sức. Nhóm thực hiện đề tài phải mất 2 năm nghiên cứu với 9 lần thí nghiệm thực nghiệm đến nay mới có kỹ thuật thu gom, vận chuyển sống đạt >90%, thuần hóa cá đạt tỷ lệ sống sau 5 tuần nuôi dưỡng đạt >80%.

Họ cũng phải cất công phối hợp với các chủ hộ khai thác cá nhụ ở Cát Hải và Đồ Sơn (Hải Phòng) để thu mua cá làm mẫu vật nghiên cứu tuyến sinh dục; tiếp cận các chủ đầm lớn nuôi quảng canh để điều tra thêm tập tính sinh học của cá nhụ sống trong tự nhiên.

Anh Trần Thế Mưu - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá nhụ 4 râu” cho hay hiện nay Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Bắc có 2 đàn cá nhụ nuôi thương phẩm có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc nhập từ Đài Loan.

Đàn cá này được nuôi theo hai hình thức trong ao nước lợ và nuôi lồng ngoài biển. Đây chính là cơ sở để nghiên cứu bổ sung các đặc điểm sinh học và tạo đàn cá hậu bị phục vụ nghiên cứu sinh sản nhân tạo loài cá nhụ tại Việt Nam.

Vừa mới thành công trong sinh sản cá nhụ nhưng đơn vị đã sản xuất được gần nửa triệu con cá giống. Khi quy trình được hoàn thiện, hướng tiếp theo của đề tài sẽ là thương mại hóa sản xuất, chuyển giao các công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu theo phương án liên doanh với các doanh nghiệp hoặc chuyển giao trọn gói với giá công nghệ rẻ hơn nhiều với công nghệ nhập.

Từ đó, cá giống sản xuất nhân tạo sẽ được cung cấp trực tiếp cho các hộ nuôi mà chủ yếu là các hộ nuôi tôm ít hiệu quả hoặc cá lồng bè nuôi trên biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu và Kiên Giang. Đây dự báo sẽ là một trong những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển nuôi thâm canh trong vùng nước lợ hoặc trong lồng trên biển.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.