Khi Indonesia chủ động được cá giống và phát triển nuôi, giá cá song chuột có giảm đi nhưng vẫn đứng ở mức cao từ 60-90USD/kg. Tại thị trường trong nước, cá song chuột không những là loài cá làm thực phẩm có giá trị đặc biệt cao (khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg) mà còn được rất ưa chuộng để làm cảnh.
Do vây bên, vây lưng xòe to ra như cái nan quạt, cá song chuột đẹp một cách hào nhoáng với nhiều chấm đen, chấm trắng mềm mại điểm xuyết trên thân. Thêm một lý do nữa để cho song chuột được giới chơi cá cảnh ưa chuộng là bởi nó chậm lớn, rất phù hợp nuôi trong bể kính.
Các nước Ả Rập rất ưa thích loại cá này nên 60% cá giống của Indonesia xuất bán ra nước ngoài là làm cá cảnh và chủ yếu xuất đi các nước Ả Rập với giá cá hương (3cm) từ 2,0-2,5USD/con.
Trên thế giới đến tận năm 2010 mới chỉ có Indonesia chủ động sản xuất giống cá song chuột trên qui mô lớn nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Năm 1999 lần đầu tiên Indonesia cho sinh sản nhân tạo cá song chuột thành công.
Sau 3 năm tiếp tục nghiên cứu, năm 2002, Indonesia đã sản xuất 617.800 con với tỷ lệ sống 0,1-0,2%. Cuối năm 2003, công nghệ sản xuất giống cá song chuột của Indonesia đã khá ổn định: Tỷ lệ sống dao động từ 3- 20%, có mẻ đạt tới 40% cá 40 ngày tuổi. Tiếp theo Indonesia là Malaysia và Australia đã thành công trong việc nhân giống song chuột.
Về nuôi thương phẩm, trên thế giới mới có công bố kết quả thí nghiệm nuôi đến khối lượng 234g/con (chưa đạt cá thương phẩm), chưa có công trình nghiên cứu nào công bố về nuôi đến cỡ cá thương phẩm (400 g/con).
Đến ngay cả Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á và NACA xuất bản cuốn “Sổ tay kỹ thuật nuôi cá song chuột” cũng giới thiệu sơ lược và chưa có chỉ tiêu cụ thể... Như vậy, sau hơn 10 năm nghiên cứu, chỉ có Indonesia đã thành công trong sản xuất giống và nuôi cá song chuột trên qui mô hàng hóa.
Tuy nhiên, Indonesia vẫn giữ bí mật về công nghệ nuôi thương phẩm. Với một số nước khác như Thái Lan, Australia đã có những nghiên cứu thành công ban đầu về sản xuất giống nhưng công nghệ vẫn chưa ổn định.
Tại Việt Nam, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I hiện là đơn vị duy nhất có công nghệ sản xuất giống và nuôi cá song chuột với dự án của Nguyễn Đức Tuấn "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chuột”.
Thời gian đầu, các thí nghiệm chỉ đạt tỷ lệ sống dao động từ 0,2-7,5%, nhiều đợt không thu được cá hương, tỷ lệ sống bằng không, cá bột yếu, chết ngay sau 2 ngày tuổi. Dần dà với những nghiên cứu chuyên sâu hơn, chúng ta đã khắc phục được các hạn chế trên, sản xuất được tới 14-15 vạn con giống. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam là nước thứ 2 sau Indonesia thành công về sinh sản nhân tạo cá song chuột trên qui mô khá lớn.
Tuy thế, việc nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá song chuột hiện nay mới thu được những kết quả bước đầu. Trong các thí nghiệm, cá giống (5-10g) được nuôi giữ trên bể cho đến khi đạt trọng lượng trung bình từ 23-25 g có thời gian 5,5 tháng (vì thời gian nuôi trùng vào những tháng mùa đông ở miền Bắc nên cá chậm lớn).
Dịch bệnh giai đoạn này thường xảy ra làm giảm tỷ lệ sống, đồng thời ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cá nuôi thương phẩm và làm giá thành tăng cao. Cá nuôi đến trọng lượng trung bình mất thêm khoảng thời gian 16-18 tháng. Như vậy toàn bộ chu kỳ nuôi kéo dài khoảng 24-27 tháng (miền Bắc) và 20-24 tháng (miền Trung và Nam) để đạt được kích cỡ cá song chuột thương phẩm trên 500g. Tốc độ lớn của chúng quả thực chậm không ngoài dự kiến.
Tôi được anh Đỗ Xuân Hải - Phó phòng cá biển dẫn ra ao. Một công nhân đang ngồi xổm trên bờ, vừa cầm một cái que gõ luôn tay vào một cái hộp vừa quẳng đám cá mồi xuống. Mặt nước thoáng xao động. Những con cá song chuột đẹp đẽ như những ông hoàng, bà chúa diện những bộ cánh đen chấm trắng hiện ra, lờ lững một hồi rồi mới thong thả ăn mồi. Tập tính chậm rãi, đủng đỉnh của chúng khác hẳn với các loài cá ăn thịt khác.