Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang hiện nay là đơn vị cung cấp nguồn giống thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 80 triệu con cá bột, 32 triệu con cá giống các loại và 60.000 con cá đặc sản.
Ông Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện cơ bản cá bộ của Trung tâm đã làm chủ được kỹ thuật sinh sản cho cá. Nhờ đó, không chỉ các loại cá thông thường, nhiều loại cá đặc sản như lăng chấm, chiên, dầm xanh, anh vũ... đã được trung tâm cho sinh sản, nuôi ương và sản xuất thành công.
Để có chất lượng cá giống tốt, từ tháng 9 hàng năm, Trung tâm đã tuyển chọn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ, cung cấp đủ dinh dưỡng và căn cứ vào tình hình thời tiết để cho sinh sản. Điểm khác biệt rõ nét so với trước đây là không để cho cá sinh sản tự do mà sẽ tiến hành tiêm thuốc kích thích quá trình sinh sản nhằm tạo ra những mẻ cá giống vào đúng thời điểm mong muốn.
Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, Trung tâm còn xuất bán sang các tỉnh bạn như Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ…
Khuyến khích việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, ngày 16/7/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 399 phê duyệt Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Trong đó có việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài cá đặc sản (chiên, lăng, bỗng, Anh Vũ, rầm xanh...
Theo Quyết định này, các địa phương được hỗ trợ ngân sách để triển khai 4 mô hình liên kết sản xuất cá bỗng (Spinibarbus denticulatus Oshima, 1926) theo chuỗi giá trị tại huyện Na Hang, Yên Sơn, Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang; 2 mô hình ương nuôi 10.000 con cá chiên giống với 2 loại mật độ là 100 con/m3 và 150 con/m3, tại các huyện Yên Sơn, huyện Chiêm Hóa; 2 mô hình xây dựng mô hình ương nuôi giống và thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) đạt năng suất và hiệu quả cao tại hồ thủy điện tại huyện Na Hang.
Mô hình Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương nuôi giống và thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) đạt năng suất và hiệu quả cao tại hồ thủy điện Tuyên Quang, được Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam triển khai thực hiện từ giữa năm 2021. Mô hình thực hiện chuyển giao và tiếp nhận 2 quy trình công nghệ, gồm quy trình ương giống cá chình hoa từ cấp I lên cấp II trong bể; quy trình nuôi cá chình hoa thương phẩm trong lồng bè.
Ông Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, thực hiện mô hình công ty đã có 5 kỹ thuật viên và 50 người dân được tập huấn, đào tạo. Công ty cũng chuẩn bị 1 máy xay thức ăn, 4 máy thổi khí, 1 máy trộn thức ăn, 1 máy khử trùng nước bằng tia cực tím, 1 máy bơm nước, 10 bể nhựa composit, 15 lồng nuôi cá, thức ăn cho cá.
Mô hình ương giống cá chình hoa từ cấp I lên cấp II, quy mô 50.000 con cá giống cỡ 5g/con, đến nay mô hình đã kết thúc, số cá còn sống 39.000 con cỡ 50g/con, tỷ lệ sống đạt 78%. Từ số cá giống của mô hình ương giống, dự án chuyển sang thực hiện mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm trong lồng bè quy mô 1.620m3, cá khỏe mạnh, đạt khối lượng trung bình 600g/con.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 11.500ha mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Trong đó, có 1.134 lồng cá, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 1.548 tấn. Việc nuôi ương, nhân giống thành công nhiều giống cá, đặc biệt là các giống cá đặc sản giúp người dân có nguồn giống chất lượng, ổn định từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế từ nghề thuỷ sản, thúc đẩy kinh tế phát triển.