| Hotline: 0983.970.780

Nhãn Thanh Lương vào mùa

Thứ Năm 23/04/2020 , 09:35 (GMT+7)

Về xã Thanh Lương nơi mệnh danh thủ phủ nhãn da bò của tỉnh Bình Phước những ngày này, dọc hai tuyến đường vào xã, những rặng nhãn trĩu quả tỏa bóng rợp mát.

Anh Vũ Huy Học cầm trên tay trùm hoa nhãn sum xuê báo hiệu mùa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Anh Vũ Huy Học cầm trên tay trùm hoa nhãn sum xuê báo hiệu mùa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Huy Học ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, một trong những người đầu tiên đem giống nhãn gieo mầm trên đất Bình Phước.

Cách trung tâm hành chính xã gần 10 km, vượt qua con đường sỏi quanh co, từ xa chúng tôi đã thấy những tán lá xen lẫn hoa, trái nhãn sum xuê từ nhà anh Học vươn ra tận lề đường.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 gian theo kiểu Trung bộ được xây dựng khang trang nằm giữa vườn nhãn, anh Học cho biết, 20 năm trước anh khăn gói từ ngoài Huế vào Nam lập nghiệp hành trang trong tay là cây nhãn da bò.

Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mảnh đất nơi đây khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ để cho cây nhãn bén rễ và tồn tại gắn bó với cuộc sống người dân địa phương.

Anh Học chia sẻ, đất không kén người nhờ thổ nhưỡng màu mỡ có sự pha lẫn đất đỏ bazan và cát mịn nên nhãn nơi đây cho quả rất to, phần cơm thịt bên trong dày và hột rất nhỏ.

Khi thưởng thức, người ăn dễ dàng cảm nhận được hương thơm mát cùng vị ngọt thanh lưu lại trên đầu lưỡi và dưới cuống họng tạo nên nét đặt trưng riêng. Những cây nhãn càng nhiều tuổi thì phần thịt cơm bên trong lại càng dày và quả sẽ càng ngọt và thơm hơn.

Mặc dù nhãn da bò có nguồn gốc từ Huế nhưng không biết tự bao giờ đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Bình Phước nói chung, xã Thanh Lương nói riêng.

Người dân địa phương cho biết, theo thường lệ sau khi kết thúc mùa mưa, khoảng tháng 5 âm lịch cũng là lúc nhãn bước vào thu hoạch rộ.

Cầm chùm hoa nhãn nặng trĩu trên tay, anh Học khoe, nhãn rất dễ tính nên có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, có thể canh tác trên vùng đất thịt hoặc đất nhiễm mặn nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt pha cát.

Ông Trần Tuấn Dũng chăm bẵm vườn nhãn sạch của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Tuấn Dũng chăm bẵm vườn nhãn sạch của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Gia đình anh Học hiện có 4 ha đất độc canh cây nhãn, trung bình năng suất 17 tấn/ha/năm. Năm nay thời tiết lúc cây đậu trái thuận lợi, cộng với kinh nghiệm 20 năm trồng nhãn, áp dụng đúng KHKT nên năng suất vườn nhãn tăng cao, dự kiến không dưới 20 tấn/ha.

Nói về giá nhãn anh Học dự báo, do đã có tiếng nên nhãn Thanh Lương luôn được các thương lái chủ động tìm đến tận vườn để mua, mọi năm ổn định ở mức từ 17.000 – 20.000 đồng/kg.

Năm nay dù ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nhưng nhà nông không lo lắng lắm vì gần 1 tháng nữa nhãn mới thu hoạch rộ và hơn 50% sản lượng nhãn đã ký hợp đồng đầu ra với thương lái, số còn lại vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường trong tỉnh và khu vực Đông Nam bộ.

Nhận thấy tiềm năng từ cây nhãn, HTX Thương mại – dịch vụ - nông nghiệp Bình Long đã được ra đời nhằm quy tụ, tập hợp liên kết nông dân sản xuất nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nhà nông.

Hiện tại, HTX đã có 17 thành viên với tổng diện tích trên 65 ha. Hiện HTX ngày càng thu hút sự chú của ngươi dân, số lượng đơn xin gia nhập HTX tăng theo từng tháng.

Ông Trần Tuấn Dũng, Giám đốc HTX Bình Long thổ lộ, những năm 1990, ông từng là cán bộ khuyến nông được cử đi đào tạo ở Liên Xô về quy trình xây dựng Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.

Sau khi trở về, nhận thấy bà con làm ăn manh mún, hay bị ép giá nên ông rất trăn trở và quyết định vận động bà con thành lập HTX.

Toàn cảnh vườn nhãn Thanh Lương chuẩn bị vào mùa. Ảnh: Trần Trung.

Toàn cảnh vườn nhãn Thanh Lương chuẩn bị vào mùa. Ảnh: Trần Trung.

Nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long vinh dự đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: HTX Bình Long.

Nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long vinh dự đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: HTX Bình Long.

Ông Dũng chia sẻ, HTX mong muốn ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ khâu tìm kiếm các doanh nghiệp cùng xây dựng quy trình sản xuất khép kín tại chỗ, từ trồng trọt đến đầu ra cho nông sản như các tỉnh miền Tây. Quan trọng nhất là việc đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản trái nhãn, giúp nông dân điều tiết lượng hàng bán ra thị trường với giá cả hợp lý.

Trong khi chờ đợi việc doanh nghiệp liên kết đầu tư trang thiết bị bảo quản nhãn đông lạnh, HTX đã vận động những xã viên có điều kinh tế xây dựng các lò sấy để sản xuất nhãn sấy khô. Mặc dù đang chập chững thực hiện dự án nhưng bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Niềm vui bất ngờ đến với người dân trồng nhãn xã Thanh Lương và HTX Bình Long khi vào tháng 9/2019, sản phẩm nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây chính là bằng chứng ghi nhận kết quả người dân trồng nhãn, thay đổi từ phương thức canh tác, sản xuất cũ sang hướng nông nghiệp sạch (VietGAP).

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.