| Hotline: 0983.970.780

Nhập con giống thương phẩm để chăn nuôi là tối kỵ

Thứ Hai 09/10/2023 , 08:05 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong điều kiện bình thường, việc để giống gia súc, gia cầm từ nước ngoài tràn vào trong nước là tối kỵ.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chúng ta chỉ nên nhập con giống gốc, dòng thuần (cấp cụ kỵ, ông bà) để làm đàn giống hạt nhân, làm tươi máu cho đàn giống trong nước. Nếu chúng ta nhập con giống thương phẩm là điều tối kỵ.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân đẩy ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay?

Có thể nói, ngành chăn nuôi của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do giá cả xuống thấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông hộ chăn nuôi gia cầm lỗ triền miên suốt 2 năm qua.

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Thứ nhất là chúng ta chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến chi phí phòng và điều trị bệnh còn lớn. Ví dụ, ngày xưa trong điều kiện chăn nuôi bình thường, chi phí dành cho thuốc thú y chỉ khoảng 3 - 5% tổng giá thành sản xuất, nhưng bây giờ tăng lên khoảng 15 - 20%.

Thứ hai, thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi rất khó khăn do sức mua giảm dẫn tới giá bán giảm. Đặc biệt, thịt lợn, thịt gà sản xuất trong nước phải cạnh tranh rất khốc liệt với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Đây là khó khăn khách quan mà chúng ta phải chấp nhận, bởi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Thứ ba, việc nhập lậu con giống gia súc, gia cầm đã tác động rất lớn đến thị trường. Hoạt động nhập lậu gia súc qua đường tiểu ngạch diễn ra ở cả các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Tây Nam bộ. Nếu không kiểm soát tốt thì rất nguy hiểm, bởi nguy cơ phát tán dịch bệnh rất cao. Nếu chúng ta không ngăn chặn được tình trạng này, chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước sẽ khó khăn chồng chất khó khăn.

Ông đánh giá như thế nào về tính chất và mức độ của hoạt động nhập lậu gia súc, gia cầm thời gian vừa qua?

Tôi cho đây là vấn đề rất lớn. Có thể số lượng gia súc, gia cầm nhập lậu chưa nhiều so với tổng đàn lợn, gà, bò của cả nước nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước ta.

Đảng, Nhà nước đều khẳng định chăn nuôi là một ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Và trên thực tế, cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đã đầu tư rất lớn về hạ tầng chăn nuôi, đặc biệt là sản xuất con giống.

Vậy, nếu chúng ta nhập lậu con giống như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thời gian qua, thì trước tiên chúng ta sẽ không kiểm soát được chất lượng con giống. Thứ hai là không kiểm soát được dịch bệnh. Thứ ba là không kiểm soát tốt về thị trường.

Hàng nghìn con gà giống chíp choai Tàu không vacxin, không giấy kiểm dịch chuẩn bị được vận chuyển lên chợ đầu mối gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang. 

Hàng nghìn con gà giống chíp choai Tàu không vacxin, không giấy kiểm dịch chuẩn bị được vận chuyển lên chợ đầu mối gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang. 

Đối với ngành chăn nuôi của một quốc gia, trừ những tình huống “cực chẳng đã” như năm 2020, trong nước quá thiếu lợn thịt thì Bộ NN-PTNT mới trình Chính phủ cho phép nhập khẩu vật nuôi sống về giết mổ. Còn ở thời điểm bình thường, việc để cho giống gia súc, gia cầm từ nước ngoài tràn vào trong nước là tối kỵ, chưa nói đến việc đó là con giống nhập lậu, chẳng có cơ quan nào kiểm tra, giám sát.

Trước đây, đã có tình trạng bò nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam có sử dụng chất cấm để vỗ béo, làm cho người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Chúng ta không được phép quên bài học đó. Chúng ta cứ tưởng cho phép một số lượng vật nuôi sống vào trong nước là chuyện nhỏ, nhưng đó lại là vấn đề vô cùng lớn.

Đối với gia cầm, hiện trong nước không thiếu con giống, kể cả giống gia cầm thả vườn, nguồn cung trong nước khá dồi dào và chất lượng tốt. Nhưng con giống gia cầm không được tiêm vacxin, giá rẻ và không được kiểm soát dịch bệnh vẫn thẩm lậu vào nước ta với số lượng không hề nhỏ, đó là một nghịch lý.

Vậy theo ông, trong trường hợp như thế nào chúng ta mới nên nhập khẩu con giống từ nước ngoài?

Phải khẳng định rằng con giống quyết định rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi, phương thức chăn nuôi. Do đó, phải tự chủ được con giống trong nước. Trong điều kiện ngành chăn nuôi phát triển như hiện nay, chúng ta chỉ nhập một số lượng rất nhỏ giống gốc, dòng thuần (con giống cụ kỵ, ông bà) để làm đàn giống hạt nhân, phục vụ lai tạo, chọn tạo giống mới hoặc làm tươi máu cho đàn giống trong nước. Nếu chúng ta nhập con giống thương phẩm là điều đại kỵ, bởi đất nước chúng ta đủ tiềm năng để sản xuất con giống.

Thưa ông, trong quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, các chế tài xử phạt hành vi mua bán con giống gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, con giống nhập lậu từ nước ngoài đã đảm bảo tính răn đe hay chưa? Cứ đến hẹn lại lên, thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 3 - 4 tháng, việc nhập lậu con giống gia cầm lại xuất hiện với số lượng không nhỏ. Phải chăng chúng ta không thể kiểm soát được?

Theo tôi, không có chuyện không thể kiểm soát được, chúng ta không nên nói như vậy. Thể chế pháp luật chúng ta đều có cả, chúng ta có hình thức xử lý rất nặng rồi, nhưng cơ quan chức năng có làm hay không và làm ở mức nào.

Khó như ma túy chúng ta còn phải làm, mà ngăn chặn buôn lậu con giống thì không đến mức khó như vậy. Bởi con gà, con vịt, con lợn là sinh thể sống. Nó biết kêu và không thể giấu kín trong cái túi nilon hay bao tải được, phải chở số lượng lớn bằng các phương tiện khác nhau, có không khí để con vật còn thở. Bởi vậy, không thể nói là cơ quan chức năng không biết, không phát hiện được.

Con giống gia cầm nhập lậu được bầy bán công khai tại chợ giống gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

Con giống gia cầm nhập lậu được bầy bán công khai tại chợ giống gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Hùng Khang.

Gà giống, vịt giống, lợn thịt đi qua các địa phương thì các địa phương phải biết chứ. Do đó, không chỉ Bộ NN-PTNT mà các Bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới ngăn chặn tận gốc được thực trạng này.

Chúng ta cũng phải tuyên truyền đầy đủ để các cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường cùng đồng hành. Nếu làm được như vậy, tôi tin là chúng ta ngăn chặn được tình trạng buôn lậu con giống, chứ không phải là khó đến mức không thể làm.

Một số ý kiến cho rằng, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc chống buôn lậu giống gia súc, gia cầm. Bởi ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành có giải pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, vấn đề này vẫn diễn biến phức tạp. Ông nghĩ sao về điều này?

Phải khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không lúc nào là không chỉ đạo quyết liệt vấn đề kiểm soát nhập lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ NN-PTNT, trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam - là cơ quan ngôn luận của Bộ, phải là đầu mối quan trọng để gióng lên vấn đề này, từ đó các lực lượng cùng vào cuộc thường xuyên, thường trực. Và phải truyền thông làm sao để hễ nghĩ đến gà nhập lậu là thấy nguy cơ dịch bệnh, có như vậy mới khắc phục được tình trạng “trên nóng, lưới lạnh”, các địa phương, các lực lượng ra quân ào ào sau khi Thủ tướng, các Bộ, ngành có văn bản, hoặc khi báo chí phản ánh thì dừng lại ít ngày rồi đâu lại vào đó.

Có người cho rằng, con giống nhập lậu từ Trung Quốc có chất lượng tốt, nuôi nhanh lớn và tiêu tốn ít thức ăn, giá rẻ nên được các nông hộ ưa chuộng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi cho rằng chúng ta không nên lý sự như vậy. Bởi đó là những con giống không được kiểm tra chất lượng, con giống buôn lậu; bán - mua không phải nộp thuế gì. Và có những lúc, giá con giống từ Trung Quốc rẻ như cho, chúng ta không thể khen những con giống gà, vịt thải loại của họ là tốt được.

Chúng ta chỉ có thể khẳng định con giống đó là tốt khi được cơ quan chuyên môn đánh giá, kiểm dịch và kiếm soát chất lượng. Còn đây là những con giống trôi nổi trên thị trường, “thượng vàng hạ cám”, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mù mờ về tiêu chuẩn. Trường hợp người nuôi mua con giống về chăn thả và bị chết, họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả mà không biết kêu ai. Chúng ta không thể khuyến khích các trường hợp như vậy được.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.