| Hotline: 0983.970.780

Nhập siêu trở lại: Mừng và lo

Thứ Năm 13/06/2024 , 18:18 (GMT+7)

Dù nhập siêu trở lại, song việc nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo thống kê sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,27 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 32,72 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng liền kề.

Lũy kế tới hết tháng 5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt hơn 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 147,67 tỷ  USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.

Như vậy, thâm hụt thương mại ghi nhận trong tháng 5 chỉ còn khoảng 450 triệu USD, giảm đáng kể so với số liệu ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê là khoảng 1 tỷ USD. Đây cũng là tháng nhập siêu trở lại đầu tiên của Việt Nam sau 23 tháng liên tiếp xuất siêu.

Với diễn biến trên, thăng dư thương mại của Việt Nam sau 5 tháng đầu năm đã tăng lên 8,61 tỷ USD, tăng thêm hơn 500 triệu USD so với giá trị ước tính trước đó.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng khá nóng những tháng đầu năm nay, việc nhập siêu quay lại được cho là sẽ gây tác động tiêu cực lên tỷ giá, khi nguồn USD về Việt Nam sẽ không còn dồi dào để hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát là các chuyên gia kinh tế và bộ phận nghiên cứu của một số công ty chứng khoán, việc nhập siêu trở lại là tín hiệu đáng mừng hơn lo. Bởi, dù nhập siêu trở lại tạo thêm áp lực lên tỷ giá, song với việc nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu - lại là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Trước hết, số liệu thống kê cho thấy, trong nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới hơn 90% kim ngạch, ước đạt 139,89 tỷ USD. Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,7%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 6%.

Từ thực tế, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng nhập siêu hoàn toàn không đáng ngại.

Việc tăng nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực của nửa cuối năm. Trong năm 2023, khi tăng trưởng nhập khẩu chậm đã phần nào kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu. Mặc dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong năm 2023, nhưng đổi lại tăng trưởng của nền kinh tế cũng đã không đạt như kỳ vọng.

"Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm tuy tạo áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới", nhóm phân tích của ACBS nhìn nhận.

Tăng trưởng giá trị nhập khẩu tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng. Theo: ACBS

Tăng trưởng giá trị nhập khẩu tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng. Theo: ACBS

Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng cho rằng, việc nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng trên 18,6%, cải thiện rõ rệt trong 5 tháng đầu năm là dấu hiệu cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn nữa trong các tháng tới.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bức tranh tổng thể hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi.

Đặc biệt, cùng với nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất gia tăng, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)… cũng đều tăng, cho thấy việc sản xuất, xuất khẩu và nền kinh tế đang phục hồi rõ nét.

Cũng theo bà Trang, việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu của khu vực kinh tế trong nước 5 tháng tăng hơn 24%, trong khi nhập khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 15% cho thấy, “sức khỏe" của các doanh nghiệp nội hiện đã tốt hơn khá nhiều so với năm 2023.

Điểm sáng từ xuất khẩu các sản phẩm nông lâm, thủy sản chủ lực

Trong bối cảnh Việt Nam chịu sức ép từ việc nhập siêu trở lại, ngành nông nghiệp với các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chủ lực vẫn cho thấy là "bệ đỡ" vững chắc khi đem lại giá trị thặng dư thương mại lớn cho nền kinh tế.

Theo số liệu vừa công bố từ GSO.

Theo số liệu vừa công bố từ GSO.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất siêu ước đạt 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%.

Trong đó, nhóm nông sản xuất khẩu ước đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%...

Đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể:  Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); Điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); Rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%)...

Bên cạnh đó, đối với ngành thủy sản, dù chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng, nhưng xuất khẩu thủy sản sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2024. 

Xem thêm
Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Đông Nam Á và Mỹ

Trong bối cảnh Trung Quốc duy trì lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản Nhật Bản, Tokyo đang tìm cách mở rộng tại các thị trường ở khu vực Đông Nam Á và Mỹ.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Xóa cầu khỉ, tạo thuận lợi lưu thông, giao thương cho người dân An Điền

Bến Tre Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Agribank, cầu Vàm Cái Cát được xây dựng mới, giúp người dân xã An Điền, huyện Thạnh Phú đi lại, giao thương nông sản thuận lợi hơn.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.