| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ ra sao khi nước này sửa luật về gạo

Thứ Ba 11/06/2024 , 11:13 (GMT+7)

Philippines nhiều khả năng sẽ sửa Luật số 11203 về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo. Điều này ảnh hưởng gì tới xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines?

Theo Thương vụ Việt Nam tại Phlippines, từ đầu năm 2023 đến nay, do tác động của nhiều nguyên nhân, nhiều mặt hàng thiết yếu tại Philippines có xu hướng tăng giá, trong đó mặt hàng tăng giá lớn nhất là gạo.

Chỉ riêng trong quý 1/2024, mức tăng giá của mặt hàng gạo đã vào khoảng 24,4%, qua đó gây một tác động không nhỏ trong mức tăng lạm phát của Philippines. Chính phủ Philippines đã từng áp dụng biện pháp giá trần nhằm kiểm soát đà tăng giá gạo nhưng không thành công.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, gần đây, Chính phủ Philippines đã hối thúc lưỡng viện nghiên cứu sửa đổi Luật số 11203 về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo nhằm khôi phục quyền can thiệp trực tiếp để điều tiết và bình ổn thị trường cho Cơ quan Lương thực quốc gia (National Food Authority - NFA).

Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định, tuy dự luật sửa đổi chưa được chính thức thông qua, nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này.

Trước hết, thông tin cho thấy chỉ có sự sửa đổi nội dung liên quan tới thẩm quyền của NFA trong Luật số 11203, theo hướng quy định khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo. NFA được cho phép trực tiếp hoặc thông qua các chương trình hỗ trợ người nông dân để mua lúa từ nông dân trong nước về chế biến và/hoặc nhập khẩu gạo nhằm cung ứng điều tiết, bình ổn thị trường.

Sửa đổi theo hướng khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo, về lý thuyết có thể sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng giảm giá bán gạo trên thị trường tại Philippines trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất khó để NFA thực hiện nhiệm vụ và đạt được kết quả như kỳ vọng.

Nguyên nhân đầu tiên là kể từ sau khi Luật số 11203 được thực thi, thị trường gạo tại Philippines đã được xác lập và hoạt động theo cơ chế thị trường, đã đi vào ổn định. Chính phủ Philippines không thể vô cớ bãi bỏ Luật số 11203 quy định cho phép tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo. Vì vậy, sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trên thị trường này không thể bị hạn chế trong thời gian ngắn.

Với việc cho phép NFA bình ổn thị trường gạo, thông qua trực tiếp mua bán gạo, với cơ chế mua cao bán thấp sẽ tạo áp lực ngân sách cho Chính phủ Philippines. Thực tế hoạt động của NFA, trước khi Luật số 11203 được thực thi, đã thâm hụt ngân sách rất lớn, số tiền mà sau đó Chính phủ phải bù đắp.

Trong khi đó, để thực hiện được mục tiêu đề ra, NFA phải xây dựng được một hệ thống nhân sự và cơ sở vật chất cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng gạo ở khắp các địa phương trên cả nước như hệ thống các cơ sở xay sát, chế biến, hệ thống kho chứa, hệ thống các cửa hàng Kadiwa. NFA không thể thiết lập và xây dựng được các hệ thống này trong một thời gian ngắn.

Thực tế hoạt động của NFA trước khi Luật số 11203 được ban hành cho thấy hàng năm NFA chỉ có thể mua trực tiếp lúa từ người nông dân một lượng nhỏ trong tổng sản lượng lúa của cả nước. Vì vậy, cho dù NFA được khôi phục thẩm quyền nhưng năng lực thu mua lúa cũng khó đạt được như kỳ vọng.

Việc tham gia bình ổn thị trường của NFA trước mắt chỉ giới hạn khi thị trường có biến động tăng giá hoặc trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, do đó, khó có thể có tác động ngay tức khắc tới thị trường gạo nói chung. Việc bình ổn của NFA chủ yếu nhắm tới thị trường các mặt hàng gạo chất lượng trung bình và thấp, phục vụ cho đại đa số người dân nghèo hoặc có thu nhập thấp, nên không ảnh hưởng nhiều tới thị trường gạo cao cấp.

Mặt khác, thông tin cho thấy các nội dung khác liên quan tới quyền tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo trong Luật số 11203 không thay đổi. Điều đó có nghĩa các thương nhân không bị hạn chế, mọi chủ thể vẫn có quyền tự do xuất nhập khẩu và thực hiện hoạt động thương mại gạo.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines trong thời gian tới về cơ bản vẫn ổn định, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng cho tới khi Chính phủ Philippines kiện toàn bộ máy, xây dựng mạng lưới cũng như cơ chế hoạt động của NFA để có thể can thiệp trực tiếp và hiệu quả vào thị trường gạo.

Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 936 triệu USD, chiếm 47% về lượng và 46% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo đi tất cả các thị trường.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.