| Hotline: 0983.970.780

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Nhiều nội dung cần 'cân - đong' kỹ

Thứ Sáu 21/06/2024 , 15:28 (GMT+7)

Theo chuyên gia, còn nhiều bất cập trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Nổi bật là lo ngại tác động tiêu cực tới xuất khẩu và phát triển của ngành nông nghiệp...

Hôm 17/6, Quốc hội đã nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng ( thuế GTGT - VAT) sửa đổi. Đây là dự thảo Luật sửa đổi nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi những tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp.

Với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế - nhiều đề xuất, ý kiến cũng như những lo ngại đã được đưa ra... khi dự thảo luật này còn không ít vướng mắc.

Liệu có đi ngược với động lực xuất khẩu của Việt Nam?

Từ góc nhìn chuyên gia, về đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhóm dịch vụ xuất khẩu, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế (Deloitte Việt Nam) đã chia sẻ môt số nhận định về những bất cập.

Hiện nay, Dự thảo luật thuế GTGT sửa đổi đang đề xuất giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế GTGT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế...

Theo ông Tuấn, đối tượng bị tác động nhiều nhất của đề xuất này chính là các doanh nghiệp chế xuất hiện đang được áp dụng chính sách của khu phi thuế quan.

Đây là loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn của các nước, để tổ chức hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, mang lại lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Với dự thảo quy định mới về diện áp dụng thuế suất GTGT 0%, hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp này cũng sẽ nằm trong phạm vi bị tác động do tính chất liên thông của sắc thuế gián thu khi bên bán phát sinh thuế GTGT đầu ra còn bên mua phát sinh thuế GTGT đầu vào tương ứng.

Đơn cử, chuyên gia của Deloitte Việt Nam thông tin, đại diện Công ty Trina Solar gần đây cho biết doanh nghiệp này nhập khẩu 80% nguyên vật liệu trong nước và nếu thu hẹp diện áp dụng thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu như đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, chi phí có thể tăng 6%, tăng thủ tục hành chính để thực hiện hoàn thuế.

Công ty này đã mất đến gần 2 năm để thực hiện hoàn thuế trước đây, đây là một thời gian rất dài chưa kể tác động lớn đến tình hình tài chính và dòng tiền luân chuyển đưa vào sản xuất do số thuế thường khá lớn.

"Đối với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, chúng tôi được biết con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế GTGT đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu USD cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế, nếu áp dụng", ông Bùi Ngọc Tuấn nói.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chuyên gia về tư vấn thuế, hải quan của Deloitte Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chuyên gia về tư vấn thuế, hải quan của Deloitte Việt Nam.

Cũng theo ông Tuấn, đề xuất bãi bỏ chính sách thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu, bao gồm dịch vụ cung cấp ra nước ngoài và cung cấp cho khu phi thuế quan (trừ 3 nhóm dịch vụ đang được đề xuất giữ lại áp dụng thuế 0%) sẽ lập tức làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Nhận định trên được ông Tuấn đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ quốc tế hiện nay đang được áp dụng thuế GTGT đầu ra 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung. Và đây là một phần quan trọng giúp doanh nghiệp áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT.

Ông Bùi Ngọc Tuấn cũng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới gần 20 năm trở lại đây, luôn luôn lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều giữ mạch tăng trưởng đều đặn qua các năm. Và một trong những lý do giúp thúc đẩy xuất khẩu chính là nhờ các chính sách thuế của Việt Nam với tác động chủ yếu từ thuế GTGT 0% cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

"Với những tác động có thể nhìn thấy rõ và kiến nghị của nhiều doanh nghiệp như hiện nay đối với Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tôi cho rằng cần có nhìn nhận thật sâu sắc về đề xuất của Chính phủ trong thời gian nghị sự của Quốc hội, từ đó cân nhắc đưa ra quyết định thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và doanh nghiệp", vị chuyên gia này cho hay.

Việc tăng thuế GTGT cần được "cân nhắc kỹ lưỡng"

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông trong dự thảo Luật, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo.

Lấy ví dụ, hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn. So với mặt bằng chung của thế giới, thuế của Việt Nam có thể vẫn thấp nhưng nếu so với các nhóm nước đang phát triển lại không phải là thấp.

Do đó, việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần cân nhắc kỹ. Trên thực tế, Việt Nam còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn.

Đơn cử, theo ông Cường, nếu tăng thuế GTGT lên 5% đối với phân bón nhập khẩu thì có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu. Nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất.

Bởi vậy, ĐBQH này cho rằng, không nên áp dụng quy định này, nhất là khi Việt Nam đang lấy nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, do đó phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng việc chuyển sản phẩm phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt cá xa bờ, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% là chưa hợp lý...

Theo ông Lâm, đây là những nhóm hàng, dịch vụ hoàn toàn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta đang có định hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng lần sửa luật này lại tính tăng thuế đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Tăng thuế đầu vào, tức là tăng giá của các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị đầu vào sản xuất nông nghiệp. Tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng chi phí của nông dân...

Ông Lâm thông tin, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách này, lĩnh vực phân bón tăng thu 6.200 tỷ đồng, chưa nói tới các máy móc, thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, vị ĐBQH nhận định, bản chất của số tiền này là thu từ nông nghiệp, nông dân.

Bởi nông nghiệp, nông dân của Việt Nam đa số là sản xuất nhỏ lẻ, không có kế toán để khấu trừ đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp. Do đó, 6.200 tỷ đồng này phần lớn sẽ được cộng vào trong giá thành sản phẩm nông nghiệp, người nông dân sẽ bị thiệt, "đây là bất cập lớn nhất".

Phân bón là mặt hàng dự kiến sẽ được đưa vào nhóm hàng hoá chịu thuế suất GTGT 5%. Ảnh minh họa

Phân bón là mặt hàng dự kiến sẽ được đưa vào nhóm hàng hoá chịu thuế suất GTGT 5%. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại cho rằng, việc áp thuế GTGT 5% với phân bón sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón, nông dân và ngân sách.

Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, vì mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật số 71 nên các doanh nghiệp phân bón đã không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón.

Và vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí và giá thành sản phẩm. Đây lại chính là nguyên do tác động đẩy giá phân bón lên. Giá thành phân bón tăng khiến người nông dân phải chịu, đó là thực tế 

Theo các doanh nghiệp, vật tư đầu nào chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, nếu đầu vào được khấu trừ thuế GTGT thì giá thành phân bón cũng sẽ giảm xuống theo. Còn nếu cứ để thuế suất 0% như hiện nay sẽ gây bất bình đẳng khi người nhập khẩu phân bón không phải chịu thuế GTGT nên có điều kiện để giảm giá bán.

Liên quan đến dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% - ngay trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng có 2 luồng ý kiến.

Một là đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết một số vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này.

Hai là luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Vì thế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.