Từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016.
Tuy nhiên, sau xung đột Nga - Ukraine (tháng 2/2022), thương mại song phương Việt Nam - Nga bị ảnh hưởng, khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm hơn 50% so với trước đó.
Sang năm 2023, dù còn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nga đã chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%.
Riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%.
Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng trưởng cao gồm: thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ; hạt điều 28 triệu USD, tăng 82,4%; hạt tiêu 12,5 triệu USD, tăng 96,2%; hàng dệt may 490 triệu USD, tăng 125%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 90,1 triệu USD tăng 102%.
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại đạt 9,7 triệu USD, than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ô tô...
Tính đến hết tháng 5/2024, Nga có 186 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Còn Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Đặc biệt, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro.
Với dân số khoảng 150 triệu người, Nga có nhu cầu lớn về các mặt hàng thực phẩm. Vào giữa tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã tiếp và làm việc với ông Gennady Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.
Tại buổi gặp, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, đặc biệt là trong bối cảnh các cơ hội và thách thức mới trong thị trường toàn cầu".
Trước mắt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn phía Nga nhanh chóng xem xét công nhận bổ sung cơ sở thủy sản được phép xuất khẩu vào Liên bang Nga. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các công nghệ phục vụ lĩnh vực nuôi biển.
"Hiện tại, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Nga được cấp quyền sang Việt Nam tăng nhiều lần so với số doanh nghiệp Việt Nam được cấp quyền sang Nga, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm thịt", Thứ trưởng cho biết.
Cùng với những nỗ lực của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương với đầu mối là Thương vụ Việt Nam tại Nga đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản vào chuỗi siêu thị tại đây.
Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nga, Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho chuỗi siêu thị. Đồng thời, chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh.
"Cơ quan đại diện tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn và hỗ trợ kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai bên. Đây là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại", Thương vụ chia sẻ.
Bên lề Diễn đàn "Tuần lễ Năng lượng Liên bang Nga," Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cam kết sẽ tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Ông cũng khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức các đoàn tham dự triển lãm theo từng lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, công nghiệp cơ khí chế tạo...
Ông Kharinov Vyacheslav, Trưởng đại diện Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam nhận định, thương mại giữa Việt Nam và Nga có nhiều dư địa để phát triển khi những mặt hàng thế mạnh bổ trợ lẫn nhau. Những rào cản kỹ thuật ban đầu đang dần được tháo gỡ. Hai nước cũng đang có cơ hội để hợp tác với nhau phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.