| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng

Thứ Tư 08/11/2023 , 11:37 (GMT+7)

Sáng 8/11, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Tổng cục Phát triển nông thôn, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản về kinh nghiệm chỉnh trang ruộng đồng.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Tổng cục Phát triển nông thôn, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản sáng 8/11. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Tổng cục Phát triển nông thôn, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản sáng 8/11. Ảnh: Tùng Đinh.

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, “Chương trình trao đổi về công nghệ chỉnh trang ruộng đồng trong nông nghiệp” được Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức.

Đây là chương trình nằm trong hệ thống “Chương trình giao lưu tăng cường hiểu biết về Nhật Bản - JENESYS” do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICE) tài trợ.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT gồm 10 thành viên đến từ các đơn vị chuyên môn, trong khi đó, đại diện của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản là ông Seigo Furudono, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác cải tạo đất nước ngoài, Tổng cục Phát triển nông thôn và ông Akase Kazuma, chuyên gia kỹ thuật về cải tạo đất của văn phòng này.

Theo ông Seigo Furudono, công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản mà còn phối hợp với các địa phương và các tổ chức nông dân.

Hơn 2.000 năm qua, Nhật Bản liên tục có các hoạt động dồn điền đổi thửa và chỉnh trạng lại ruộng đồng cũng như nguồn nước, vốn là những yếu tố cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hạ tầng về đất nông nghiệp và nguồn nước của Nhật Bản đã cơ bản được hoàn thành và chuyển sang giai đoạn “Quản lý và bảo tồn”, duy trì trạng thái tốt nhất để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Ví dụ như ở Ashinuma, một vùng đất vốn là vùng chiêm trũng, cứ gặp mưa là trở thành những chiếc hồ không có tên trên bản đồ, trải qua quá trình cải tạo, chỉnh trang bằng hệ thống bơm thoát nước từ năm 1948. Đến nay, Ashinuma đã trở thành một vùng đất nông nghiệp màu mỡ.

Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản cho rằng, sản xuất nông nghiệp được hình thành bởi 3 yếu tố cơ bản bao gồm tài nguyên, con người và kỹ thuật. Trong đó, tài nguyên được xác định gồm đất và nước, cũng là đối tượng chủ đạo của “Chương trình phát triển nông nghiệp”, nông thôn hay còn gọi là “Dự án cải tạo đất” của Bộ này.

Cảnh quan nông thôn ở Tashibunosho, Nhật Bản. Ảnh: Onie.

Cảnh quan nông thôn ở Tashibunosho, Nhật Bản. Ảnh: Onie.

Chương trình này được triển khai ở khắp Nhật Bản và quy mô cụ thể tùy thuộc vào quyết định của từng địa phương. Trong đó tập trung vào 4 nội dung, đầu tiên là dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang lại ruộng đồng để mở rộng diện tích sản xuất, thuận lợi hơn trong tưới tiêu, chăm sóc, ứng dụng máy nông nghiệp.

Thứ hai là cải thiện hệ thống tưới tiêu, trong đó tập trung xây mới và bảo dưỡng các công trình như đập, kênh, trạm bơm… một cách có chiến lược. Một trong số đó là sử dụng hệ thống ống dẫn nước chôn dưới ruộng để hạ mực nước ngầm, đưa các ruộng nước thành ruộng đa chức năng, ngoài trồng lúa có thể trồng thêm hoa màu.

Nội dung thứ ba là xây dựng các công trình phòng chống thiên tai cho đất nông nghiệp, ví dụ như bơm chống ngập úng, hồ chứa hay kè chống lở đất. Nội dung cuối cùng của chương trình là phát triển nông thông, cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống truyền thông, hệ thống thoát nước.

Để thực hiện được các nhiệm vụ này một cách hiệu quả, Nhật Bản dựa vào Luật Cải tạo đất đai, trong đó đề ra các nguyên tắc và thủ tục dành cho các dự án cải tạo đất. Các dự án này được các nông dân đề nghị với sự đồng thuận của trên 2/3 người nông dân được hưởng lợi, sau đó Chính phủ hoặc địa phương sẽ thực hiện.

Một nội dung nữa cũng được trao đổi trong buổi làm việc sáng 8/11  là phát triển nông nghiệp thông minh trên ruộng đồng với mục tiêu tự động hóa công việc, thuận lợi hóa việc chia sẻ thông tin và ứng dụng dữ liệu vào sản xuất.

Hiện nay, ngoài các máy kéo tự hành đã được sử dụng rộng rãi từ năm 2018, Nhật Bản còn đang phát triển hệ thống vận hành tự động không người lái nhờ giám sát từ xa bao gồm cả việc di chuyển giữa các thửa ruộng hay tự động kiểm soát lượng nước trong các ruộng lúa.

Qua buổi trao đổi, bên cạnh những kinh nghiệm trong chỉnh trang ruộng đồng cũng như ứng dụng nông nghiệp thông minh, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT hy vọng sẽ sớm được tiếp cận thực địa để có thể hiểu biết và học hỏi được nhiều hơn về công tác này của Nhật Bản.

(Từ Tokyo, Nhật Bản)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.