| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum gặp khó khi thực hiện cánh đồng mía lớn

Thứ Tư 14/08/2019 , 16:01 (GMT+7)

Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía bằng cách dồn điền đổi thửa thực hiện "cánh đồng mía lớn”. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang gặp những trở ngại nhất định.

Lợi thế từ cánh đồng mía lớn

Với mục tiêu đưa mía trở thành “cây làm giàu”, tháng 11/2017, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt quy hoạch  phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020 phải đạt 3.250 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 700 tạ/ha, sản lượng đạt 227.500 tấn.

Theo đó, tỉnh đang tiến hành thực hiện “dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp cho Công ty cổ phần Đường Kon Tum thuê lại quyền sử dụng dất của dân để xây dựng cánh đồng mía lớn. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2017 xây dựng dự án cánh đồng mía lớn ứng dụng công nghệ cao với quy mô 695 ha. Giai đoạn 2018-2020 xây dựng thêm 2 dự án cánh đồng mía lớn với quy mô 1.000 ha.

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, việc thực hiện cánh đồng mía lớn sẽ mang đến hiệu quả kinh tế rõ rệt bởi chi phí đầu tư ban đầu sẽ giảm xuống và năng suất sẽ tăng cao hơn.

Giá mía giảm, thu mua chậm khiến nông dân không mặn mà sản xuất.

Ông Thái phân tích, nếu như 1ha đầu tư trồng mía khoảng 25 triệu đồng, chưa kể chi phí nhân công, vận chuyển… thì năng suất chỉ tầm 65 - 70 tấn/ha. Trong khi thực hiện cánh đồng mía lớn, năng suất sẽ đạt được từ 100 - 120 tấn/ha và mọi chi phí như vận chuyển, nhân công sẽ giảm đi rất nhiều bởi sẽ áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như đốn hạ bằng máy móc, tưới nước, bón phân cũng thực hiện bằng máy. Một người làm có thể thay thế cho hàng chục nhân công.

Ông Thái cho biết, để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động với công suất 2.500 tấn mía/ngày thì cần diện tích trồng mía từ 3.000- 3.500 ha mới đủ. Tuy nhiên, nếu thực hiện cánh đồng lớn, diện tích đất trồng mía nhà máy cần hơn 1.000 ha là có thể đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu. Và với năng suất 120 tấn/1ha đối với cánh đồng lớn (cao hơn 50-60 tấn mía/ha theo phương thức canh tác như hiện nay), người trồng mía sẽ có lợi ích kinh tế hơn rất nhiều.

“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện thử nghiệm hai cánh đồng mía lớn 10ha và 20ha. Hiệu quả thấy rõ là công chăm sóc giảm rất nhiều, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật được áp dụng, tưới tiêu có khoa học hơn chứ không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nữa” - Ông Thái thông tin thêm.

Khi nông dân không mặn mà

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, năm 2018 diện tích mía toàn tỉnh đạt 1.558 ha, giảm 257 ha so với năm 2017. Trong khi năm 2019, diện tích mía ước đạt 1.656 ha. Điều này thực sự đáng lo ngại trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh trong thời gian tới theo đúng quy hoạch đề ra.

Lý giải vấn đề này, ông Thái cho biết, việc thực hiện cánh đồng mía lớn còn gặp khó khăn bởi người dân chưa chịu góp đất. Dù quỹ đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn rất nhiều, chủ yếu thực hiện canh tác các loại cây trồng năng suất thấp nên chưa phát huy được giá trị của đất nông nghiệp. Hai nữa, lâu nay người dân quen với cách canh tác thủ công thuần túy nên giờ vận động người dân tham gia góp đất cho nhà máy thuê là rất khó khăn.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Đãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum cho biết, với việc giá mía giảm nhiều trong niên vụ vừa qua khiến nhiều nông dân không mấy “mặn mà” với cây mía.

Một vấn đề khác được ông Đãn đưa ra là Công ty cổ phần Đường Kon Tum chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về bảo hiểm giá mía tại ruộng theo hợp đồng đầu tư. Chưa kể, công ty còn chậm thu mua mía đã khiến nhiều hộ dân không an tâm trồng mía.

“Công ty cổ phần Đường Kon Tum chưa cam kết cụ thể trong việc tổ chức thu mua đối với từng diện tích và khu vực trồng mía. Trong khi với nguyên liệu mía, cần phải xuống giống cùng lúc và thu hoạch đồng bộ thì mới đạt năng suất cao, chữ đường tốt. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch công ty không thu mua hết mía đường cho nông dân, dẫn đến diện tích mía khô héo mà vẫn chưa thể thu hoạch” – ông Đãn cho biết.

  • Tags:
Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.