Đòn bẩy dồn điền đổi thửa
Trong giai đoạn xây dựng NTM (2010 - 2015), huyện Trực Ninh đã chọn cách làm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh. Đó là chọn công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là khâu đột phá trong xây dựng NTM.
Theo đó, năm 2009, huyện Trực Ninh chọn xã Trực Nội làm xã điểm để triển khai dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, công tác đồn điền đổi thửa hoàn tất, các hộ gia đình vui vẻ nhận mảnh đất canh tác của gia đình, không có kiện cáo, thắc mắc gì.
“Từ kết quả mô hình điểm ở xã Trực Nội và tình hình thực tế sử dụng đất nông nghiệp, huyện Trực Ninh đã chọn công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là khâu đột phá trong xây dựng NTM và đã thực hiện thành công”, ông Lưu Văn Dương, chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho hay.
Tiếp nối thành công, chỉ sau 2 năm tổ chức thực hiện (năm 2011 - 2012), 100% số xã trên địa bàn huyện Trực Ninh hoàn thành dồn điền đổi thửa; giảm số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ xuống còn 1,82 thửa/hộ; khắc phục được tình trạng sử dụng đất manh mún.
Thông qua dồn điền đổi thửa, huyện Trực Ninh đã chỉnh trang cơ bản lại đồng ruộng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất hàng hoá; đặc biệt các hộ nông dân trong huyện đã hiến, góp được 320,72ha đất nông nghiệp (tương đương 641 tỉ đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống dân sinh, phục vụ cho mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Với cách làm đột phá, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ huyện Trực Ninh đã giúp cho tỉnh Nam Định triển khai thành công công tác dồn điền đổi thửa ở toàn tỉnh.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh Phạm Quang Minh chia sẻ, là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh nên Trực Ninh đã sớm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Đến nay, toàn huyện đã quy hoạch 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích 395 ha; nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.
“Điển hình vùng trồng lúa chất lượng cao (Bắc thơm 7) tại 20/21 xã, thị trấn với diện tích 4.597 ha. Giá trị sản phẩm khoảng 33 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận bình quân 12,4 triệu đồng/ha/vụ, bằng 1,5 lần so với lúa tẻ thường.
Hay, vùng sản xuất lúa giống với diện tích 290ha của Công ty TNHH Cường Tân tại tại các xã: Trực Hùng, Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng, Trực Chính đã đem lại doanh thu hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng”, ông Minh kể.
Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Với quyết tâm chính trị cao và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ của cả hệ thống chính trị, huyện Trực Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2017, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Song song với việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; huyện Trực Ninh đã thực hiện lồng ghép tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào xây dựng NTM.
Theo ông Phạm Quang Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, kết quả thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần tích cực hoàn thành các tiêu chí về sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, nâng cấp theo chuẩn NTM; diện mạo nông nghiệp, nông thôn được đổi mới cơ bản.
Ông Minh khẳng định: Thông qua việc triển khai các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về sản xuất hàng hóa, từ đó có đổi mới tư duy trong tổ chức sản xuất, chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng, sản lượng sang chất lượng, hiệu quả.
Xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất, gắn với nhu cầu đa dạng, phong phú của thị trường, từng bước hình thành rõ hơn các vùng chuyên canh sản xuất...
“Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác. Từ 105,74 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên trên 109,71 triệu đồng/ha năm 2018; góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM, làm chuyển biến cơ bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện”, ông Minh chia sẻ.
Trực Chính là xã vùng quê thuần nông nằm ở phía Đông Bắc của huyện Trực Ninh. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, Trực Chính nhanh chóng phát triển bứt phá và sớm trở thành xã NTM.
Quá trình xây dựng NTM nâng cao; xã Trực Chính đã thực hiện lồng ghép tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, ngành nông nghiệp của xã khởi sắc rõ nét.
“Năm 2018, huyện Trực Ninh chọn 10/21 xã để xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Dự kiến, trong tháng 3/2021, UBND tỉnh Nam Định sẽ thành lập đoàn tổ chức kiểm tra, đánh giá và thẩm định kết quả”, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh nói.