| Hotline: 0983.970.780

Ngày càng nhiều những cánh đồng 'vắng bóng nông dân'

Thứ Năm 08/12/2022 , 10:35 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Hiện nay, Quảng Bình gần như đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, hàng loạt khâu trong sản xuất lúa cũng dần được máy móc thay thế sức người.

Chúng tôi về cánh đồng lớn của HTX Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Cánh đồng rộng trên 300ha được quy hoạch thành những ô bàn cờ lớn với những tuyến đường nội đồng dọc ngang chắc chắn và rộng rãi. Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX cho hay: “Chúng tôi phải có quy hoạch này để đảm bảo các phương tiện cơ giới đều đến được tận chân ruộng dù xa đến gần chục cây số”.

Nhiều địa phương ở Quảng Bình đã cơ giới hóa khâu làm đất toàn bộ diện tích sản xuất. Ảnh”: T.P

Nhiều địa phương ở Quảng Bình đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều năm trước, trên cánh đồng, khâu làm đất đã được cơ giới hóa toàn bộ diện tích. Sau này, đến khâu thu hoạch cũng được cơ giới hóa. Máy gặt chạy sát đường, đổ những bao thóc căng tròn xuống và được bốc lên ô tô chạy về tận ngõ nhà. Từ năm 2021, HTX Hoành Vinh đã đưa máy bay phun thuốc trừ sâu, máy cấy xuống đồng. Người nông dân hồ hổi đón nhận.

Ông Võ Doãn Thuận có 3ha ruộng lúa 2 vụ năm nào cũng được mùa, nắng suất trên 70 tạ/ha. Ông Thuận nói: “Toàn bộ việc làm đất bây giờ cơ bản đã được cơ giới hóa nên đất thục hơn, nhuyễn hơn. Trong canh tác, nông dân đã tiết kiệm được chi phí như giảm giống, giảm thuốc BVTV, giảm công lao động. Vì vậy, mỗi ha ruộng đã được tăng thêm lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng mỗi năm”.

Những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã tăng cường ứng dụng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Máy cấy đầu tiên được đưa xuống đồng ruộng huyện Quảng Ninh. Ảnh: TP

Máy cấy đầu tiên được đưa xuống đồng ruộng huyện Quảng Ninh. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho biết, các công đoạn canh tác theo kiểu truyền thống trên địa bàn thị xã đến nay hầu như không còn nữa. “Người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đến nay đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 95%. Đến năm 2022, toàn thị xã có hơn 3.100 máy các loại sử dụng cho nông nghiệp. Một số địa phương trên địa bàn thị xã đã sử dụng công nghệ phun thuốc diệt cỏ cho lúa bằng thiết bị bay không người lái (drone)”, ông Khánh cho hay...

Từ đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh đã đưa công nghệ bay vào sử dụng cho hơn 200ha lúa thực hiện liên kết theo chuỗi. Theo ông Đặng Thái Vũ, Giám đốc Nhà máy Sản xuất Giống cây trồng của công ty, việc áp dụng drone phun thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc và bảo vệ sức khỏe cho nông dân.

“Thời gian phun thuốc bằng bình phun tay cho 5ha lúa mất hơn 50 giờ. Trong khi đó, phun bằng drone chỉ mất 1,5 giờ; tổng lượng thuốc sử dụng drone chỉ hết 0,5kg, trong khi phun thuốc truyền thống bằng bình phun tay là 1kg.  Đặc biệt, toàn bộ vỏ chai thuốc qua sử dụng được thu gom và bỏ vào nơi quy định để xử lý, không xả thải ra môi trường. Quá trình sản xuất, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân”, ông Vũ cho biết.

Máy gặt đập trên cánh đồng Lệ Thủy cho người dân giảm được chi phí sản xuất. Ảnh: T.P

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, huyện Lệ Thủy đã tích cực khuyến khích các hộ dân, mô hình kinh tế tập thể mạnh dạn đầu tư máy móc phù hợp, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) có 3ha ruộng lúa hai vụ. Nếu trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch, gia đình ông tốn hơn chục triệu đồng để thuê người về gặt. Có năm, lúa chín rục ngoài đồng nhưng vẫn không tìm được người gặt, lo lắng đến phát ốm.

“Bữa nay, việc thu hoạch lúa của gia đình đã dễ dàng hơn. Vụ thu hoạch diễn ra nhanh gọn, không chỉ tiết kiệm được thời gian, nhân công mà chi phí cũng giảm được rất nhiều. Ngoài ra, thu hoạch nhanh gọn cũng tránh được rủi ro do thiên tai gây ra làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, ông Hoàng bộc bạch.

Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp giảm bớt sức lao động cho nông dân, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và đặc biệt góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch”.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.