Thắng lợi thứ nhất, diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Sở dĩ có chuyện dôi dư này là do trước đây việc đo đạc thống kê không chính xác nên giờ bằng những thiết bị hiện đại, mọi thứ đã rõ ràng, minh bạch hơn.
Thắng lợi thứ hai, sau dồn điền đổi thửa, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn. Qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Kết quả đến nay, toàn thành phố đã chuyển đổi được 17.584,9ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản 6.416,7ha; chuyển đổi sang trồng cây ăn quả 5.538,6ha; chuyển đổi sang mô hình VAC, VACR 2.079,6 ha; chuyển đổi sang trồng rau an toàn 1.823,6ha; chuyển đổi sang trồng chăn nuôi xa khu dân cư 623,7ha; chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh 508,2ha; chuyển đổi sang đất khác 594,5ha.
Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%; vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Hàng loạt các mô hình điển hình, tiêu biểu như trang trại trồng rau hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Đăng Quý, bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm.
Thắng lợi thứ ba, dồn điền đổi thửa đã tạo tiền đề để đến nay, toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình, Đan Phượng 8 mô hình...
Trong đó có một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật Bản của Cty TNHH XKN Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, Mỹ Đức; sản xuất rau thủy canh của HTXNN Đa Tốn, Gia Lâm và hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng, xã Yên Mỹ, Thanh Trì; sản xuất lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, Đan Phượng... Tuy quy mô còn nhỏ, diện tích áp dụng còn khiêm tốn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá, thể hiện xu hướng phát triển phù hợp với thực tế của một nền nông nghiệp cận đô thị của Hà Nội.
Nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như phật thủ, nhãn chín muộn, cam Canh ở Hoài Đức, bưởi tôm vàng ở Đan Phượng; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm; các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1 - 2 tỷ/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản hiệu quả tại Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. |