Tập trung thị trường trọng điểm
Tại hội nghị tổng kết công tác 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết từ đầu năm 2020, Cục đã triển khai các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng nhằm kết nối giao thương và thúc đẩy thương mại trước những khó khăn do dịch bệnh.
Đơn vị đã tập trung vào các cửa khẩu có biên giới với Trung Quốc là Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai để nắm bắt tình hình, khó khăn vướng mắc trong việc lưu thông hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu.
Từ đó, đề nghị các địa phương của Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với Việt Nam tăng cường hợp tác, tạo mọi điều kiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm dịch xuất nhập cảnh qua biên giới và phối hợp khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với xúc tiến thương mại cho thị trường châu Âu, trong tháng 8-9/2020, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các Lễ Công bố xuất khẩu mặt hàng nông sản (tôm, cà phê, chanh leo, trái cây, gạo) sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công các Hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
Ở các thị trường lớn khác như Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cục cũng phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, Đại sứ quán, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường và xúc tiến thương mại.
Về chế biến, ông Nguyễn Quốc Toản thông tin, mặc dù Covid-19 xảy ra nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư mới vào lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản; đặc biệt lĩnh vực đang rất quan tâm là các dự án chế biến bảo quản rau quả và dự án giết mổ gia súc, gia cầm.
Cụ thể, số dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản đã khởi công xây dựng và khánh thành trong năm 2020 là 16 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Điển hình như nhà máy chế biến rau quả và dược liệu của Tập đoàn TH; nhà máy chế biến rau quả DOVECO của Đồng Giao; nhà máy sợi gai của An Phước...
Phải nhạy với thị trường, tạo hệ sinh thái nông nghiệp
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là thành phần chủ yếu để góp phần xây nên trụ đỡ của nền kinh tế như Thủ tướng đã nói về ngành nông nghiệp.
Vì vậy, trong thời đại hiện nay, những người làm thị trường cần nắm bắt thông tin nhanh nhạy, từng giờ, từng ngày chứ không phải là từng năm nữa.
Theo ông, ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với 3 loại biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến động xu thế tiêu dùng, do đó những người làm thị trường cũng cần những sự thay đổi rất lớn. Phải nghĩ ra phương pháp để bảo quản, chế biến, chế biến sâu hơn nữa để thay đổi tư duy trồng cho xong, bán cho xong, nâng giá trị gia tăng cho nông sản.
Mượn câu chuyện buôn bán ở ngã tư đường, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng không nên có tư duy bắt chước mà phải có tư duy hình thành chuỗi giá trị, người trồng thì phải có người bảo quản, người chế biến. Từ đó, tạo ra một hệ sinh thái mà các thành phần bên trong cộng sinh với nhau để tạo ra sức mạnh bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển.
Thứ trưởng NN-PTNT gợi ý, bên cạnh các tập đoàn lớn về chế biến, việc khởi nghiệp bằng chế biến nông sản ở các cơ sở quy mô nhỏ, các hợp tác xã cũng rất tiềm năng: "Săn đón đại bàng nhưng đừng quên chim sẻ".
Ông cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác công tư trong chế biến, phát triển thị trường để xây dựng được những chính sách hợp lý, vừa đảm bảo chức năng quản lý vừa phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp.