Ý kiến thẳng thắn, sát thực tế
Ngày 27/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc” tại TP Hải Phòng.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho Sở NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông và nông dân của 7 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La và Hải Phòng.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ sôi nổi thẳng thắn các vấn đề liên quan đến sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 40 câu hỏi được trao đổi. Trong đó, về thị trường tiêu thụ và an toàn thực phẩm có 9 câu hỏi, về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm có 3 câu hỏi, về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và cấp giấy chứng nhận có 5 câu hỏi, về chế phẩm vi sinh sử dụng như thế nào có 3 câu hỏi, về cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm có 15 câu hỏi, về cơ chế chính sách có 5 câu hỏi.
Các câu hỏi được các đại biểu đưa ra đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh hàng ngày, đó là những vướng mắc những vấn đề các cá nhân, tổ chức đang gặp phải. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, rất sát với những vấn đề hàng ngày đang diễn ra. Dù có một số câu hỏi, chuyên gia trả lời còn luẩn quẩn, phân tích dài dòng và loãng khiến đại biểu khó chắt lọc những ý chính. Tuy nhiên, về cơ bản, với thái độ cầu thị, các chuyên gia đã quan tâm lắng nghe và trả lời kỹ lưỡng, cụ thể, tận tụy, thấu tình đạt lý.
Ông Mai Văn Đoán, đại biểu nông dân, chuyên về rau màu ở xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng cho biết: “Qua diễn đàn này, bà con nông dân hiểu hơn về phát triển nông nghiệp, về cây trồng, vật nuôi, mở rộng thêm kiến thức, biết thêm nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Qua những câu hỏi của đại biểu và trả lời của chuyên gia, nhiều vấn đề tôi còn mơ hồ đã dần sáng tỏ, ví dụ như thủ tục tham gia OCOP, các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Quan trọng nhất là giúp tôi định hình được sự phát triển trong tương lai của nông nghiệp, hiểu thêm thị trường, về nông nghiệp bền vững. Hy vọng trong thời gian tiếp theo, sản xuất của tôi sẽ tiếp tục phát triển, không còn lo tình trạng ế nông sản khi được mùa như trước đây”.
Phối hợp chặt chẽ để kết nối người sản xuất với thị trường
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất an toàn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là một chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống sản xuất.
Việc phát triển liên kết này trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay, giúp người nông dân tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…
Mặt khác, việc thực hiện sản xuất an toàn liên kết tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang lại nhiều ưu điểm kết nối thông tin giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, do nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết hiện vẫn ở mức thấp.
Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, trước những khó khăn, thử thách nêu trên, theo các chuyên gia tham gia diễn đàn cho rằng, các cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để có biện pháp kết nối người sản xuất với thị trường, tránh "bài ca" được mùa mất giá và ngược lại. Mặt khác, cần định hướng cho người dân sản xuất theo mô hình: an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và hướng tới môi trường hữu cơ.
Đối với các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyển giao, chuyển giao công nghệ, tiếp tục chuyển giao các mô hình có hiệu quả, đặc biệt là những mô hình an toàn thực phẩm, mô hình liên kết. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu mô hình cây, con giống có chất lượng tốt, tạo ra các sản phẩm ngon, chi phí thấp, thời gian nuôi trồng ngắn, sạch bệnh, kháng bệnh. Các hợp tác xã, cơ quan, doanh nghiệp, phản hồi thông tin 2 chiều, chính xác cho cơ quan chuyển giao, cơ quan chức năng có thẩm quyền để phối hợp tốt hơn.
“Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp mang tính căn bản để đảm bảo phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu đảm bảo đủ lương thực cho người dân và xa hơn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới”, ông Tiêu nhấn mạnh.