| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nơi dùng hồi ký thay vì nhật ký đánh bắt

Thứ Ba 20/09/2022 , 09:55 (GMT+7)

Dù khung pháp lý tương đối đầy đủ, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc gỡ thẻ vàng IUU của EC, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu ý kiến để gỡ thẻ vàng IUU tại cuộc họp sáng 20/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu ý kiến để gỡ thẻ vàng IUU tại cuộc họp sáng 20/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát biểu tại Cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng", Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ rào cản này. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, là vấn đề nhật ký đánh bắt. Thứ trưởng chia sẻ: "Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn số hành trình và nhận thấy, đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Hầu hết sổ đều do vợ con ghi chép lại". Lý do sâu xa, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, là nhận thức của bà con ngư dân về chống IUU chưa đồng nhất

Thứ hai, 28 tỉnh, thành phố ven biển xử lý vi phạm về chống IUU không đồng đều. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ, đang có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ. Việc không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác khiến nước ta "mất điểm" trong quan điểm của EC.

Thứ ba, tình trạng giải ngôn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.

"Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Tôi biết, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt", Thứ trưởng nêu.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU. Một số nơi chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ thẻ vàng IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân trình bày báo cáo về kết quả triển khai chống IUU thời gian qua. Ảnh: Bảo Thắng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân trình bày báo cáo về kết quả triển khai chống IUU thời gian qua. Ảnh: Bảo Thắng.

Làm rõ hơn ý kiến của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, việc rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại các địa phương chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là khối tàu từ 6 đến dưới 15 mét. 

Theo cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, mới có 44.339/60.419 tàu đăng ký, chiếm khoảng 73%. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TP.HCM, Trà Vinh, Quảng Ninh, tỷ lệ còn thấp.

Một lý do nữa, theo lãnh đạo ngành thủy sản, là công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện cả nước mới có 20 tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến.

Luật Thủy sản 2017 nêu rõ, việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nhưng đến tháng 9/2022, mới có 7/28 tỉnh ven biển thành lập nhóm công tác này.

Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đặt mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, 62 vụ với 85 tàu và 704 ngư dân bị bắt giữ, xử lý.

"Ý thức chấp hành pháp luật trong việc gỡ thẻ vàng IUU của người dân hiện chưa cao. Trong bối cảnh, sản lượng hải sản khai thác đạt 3,92 triệu tấn, gần chạm ngưỡng trữ lượng 3,95 triệu tấn của Việt Nam, đây là một vấn đề lớn", ông Luân bày tỏ.

Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng, 125 cảng cá được xây dựng để đảm bảo công suất bốc dỡ 1,92 triệu tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, hiện mới bố trí được 18,5% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho 83/125 cảng.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.