| Hotline: 0983.970.780

"Nam tiến" chặn đánh bắt vi phạm IUU:

Hệ lụy của 'thẻ vàng' quá lớn

Thứ Ba 20/09/2022 , 11:45 (GMT+7)

Ảnh hưởng 'thẻ vàng' IUU, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu gặp rất nhiều khó khăn, sắp tới thị trường Mỹ cũng áp dụng IUU thì khó sẽ chồng khó…

Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hiện có lực lượng tàu cá với hơn 2.300 chiếc, công suất trên 1 triệu CV, chiếm gần 90% là tàu cá công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ, 100% tàu cá có chiều dài trên 15m đều đã được lắp đặt máy giám sát hành trình.

Theo chia sẻ của lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 8 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề lưới vây và đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường Tam Quan Bắc, máy giám sát hành trình như cái “vòng kim cô” của các tàu cá; thiết bị này báo về trạm bờ vị trí tàu di chuyển, nơi tàu đang neo đậu, đánh bắt.

Nếu cán bộ ngành thủy sản trực trạm bờ phát hiện tàu cá nào vượt ranh giới cho phép, liền lập tức liên lạc điện thoại thông báo cho chủ tàu, gia đình, chính quyền địa phương và các ngành liên quan để kêu gọi tàu cá ấy quay về. Vì vậy, nếu tàu cá nào chủ động đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài thì chỉ còn cách tắt thiết bị giám sát hành trình.

Bình Định lựa chọn cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu nguyên con. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định lựa chọn cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu nguyên con. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu bây giờ còn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài là chính chủ tàu hoặc thuyền trưởng chủ động muốn vậy chứ không thể viện lý do này lý do kia. Trước kia, Hoài Nhơn cũng thường có tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, thế nhưng những năm gần đây không còn tình trạng này, nhờ chính quyền tích cực tuyên truyền. Công tác tuyên truyền giúp ngư dân hiểu ra, nếu đánh bắt vi phạm IUU thì tài sản của mình có giá trị từ vài ba tỷ đến hàng chục tỷ đồng kể như mất trắng, đó là chưa kể con người còn bị nước ngoài giam giữ. Tham lam một chuyến cá mà mất cả sự nghiệp là điều không nên làm. Đó là chưa kể đánh bắt vi phạm IUU còn làm ngáng trở nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về thủy sản, đây mới là vấn đề lớn”, lão ngư Bùi Thanh Ninh, chia sẻ.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cũng đau đáu về hệ lụy của “thẻ vàng” IUU. Những năm qua, “thẻ vàng” IUU đã gây khó không ít cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của công ty này.

Theo bà Lan, hiện nay, tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU phải chịu kiểm tra 100%. Khi chịu kiểm tra như vậy thì hàng hóa bị chậm là chuyện tất nhiên, khi nào hải quan nước bạn sắp xếp được lịch họ mới kiểm tra, chứ không phải hàng mình vừa nhập qua là kiểm tra ngay. Dịch Covid-19 bùng phát thì việc kiểm tra hàng càng thêm chậm. Hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất qua châu Âu hầu hết bị trễ từ nửa tháng đến 1 tháng, chi phí phát sinh rất nhiều.

Năm nay Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài thị trường EU, sắp tới Mỹ cũng sẽ áp dụng IUU đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu vào thị trường này. Trong khi từ thời điểm thị trường châu Âu áp dụng IUU, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ. Nếu Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU từ thị trường EU, giờ thêm thị trường Mỹ áp dụng những quy định IUU thì khó sẽ chồng khó lên các mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

“Trước đây, thị trường châu Âu chiếm đến 70% lượng hàng thủy sản xuất khẩu của công ty, nay thị trường này giảm chỉ còn 40%, thị trường Mỹ tăng lên 40%, còn lại 20% xuất sang Trung Đông và các thị trường khác. Như vậy, nếu cả EU và Mỹ đều áp dụng IUU thì khó khăn sẽ chồng chất lên mặt hàng cá ngừ đại dương và các loài hải sản khác được đánh bắt từ tàu cá xa bờ. Nếu còn 1 chiếc tàu đánh bắt vi phạm IUU thì Việt Nam sẽ khó gỡ “thẻ vàng”, thậm chí còn có thể dính cả “thẻ đỏ”, bà Cao Thị Kim Lan lo lắng.

Không có tàu cá vi phạm IUU, đấy là con người!

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, để gỡ “thẻ vàng” và tránh dính “thẻ đỏ” IUU, vấn đề then chốt là Việt Nam phải ngăn chặn cho được nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, có như thế con đường xuất khẩu thủy sản mới được thong dong.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lo lắng về “thẻ vàng” IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Theo bà Thu Sắc, thương trường rất khắc nghiệt, các nước trong khu vực lúc nào cũng muốn nêu vi phạm về IUU của Việt Nam để loại trừ mặt hàng thủy sản của chúng ta tại thị trường châu Âu. Nếu vậy, không chỉ có doanh nghiệp gặp khó, hải sản đánh bắt của ngư dân cũng bị ảnh hưởng.

“Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần truyền đạt thông tin này đến với ngư dân, để ngư dân hiểu việc gỡ “thẻ vàng” chính là gỡ khó cho chính mình. Năm nay Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra đạt 2,5 tỷ USD, hải sản đạt 3,5 tỷ USD. Nếu mặt hàng hải sản bị châu Âu và Mỹ áp dụng IUU thì kim ngạch xuất khẩu khó đạt kế hoạch”, bà Sắc nhấn mạnh.

Nói về vấn nạn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phải nói chính xác là không có tàu cá vi phạm IUU, mà chỉ có người điều khiển con tàu đó vi phạm. Như vậy, mấu chốt của sự vi phạm là con người. Ngành chức năng cứ “neo” vào con người để tuyên truyền, vận động, kết hợp nhiều cách để tìm ra giải pháp phù hợp.

Không chỉ tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm IUU, mà còn phải tuyên truyền về sự liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng thể, thích ứng với thay đổi, hướng tới lợi ích toàn cục, lâu dài; khi đó mới có thể tính đến phát triển nghề cá bền vững.

Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Phải tuyên truyền nhiều hơn nữa để ngư dân nào cũng thấm thía hậu quả việc đánh bắt vi phạm IUU. Phải đặc biệt nhấn mạnh là không chỉ có doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gánh chịu hậu quả, mà ngư dân cũng bị mất thu nhập. Nếu mặt hàng thủy sản của Việt Nam được thong dong tại mọi thị trường thì việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp tốt hơn, giá tăng hơn, lúc đó ngư dân cũng được hưởng lợi. Thay đổi được nhận thức của ngư dân ắt sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề vi phạm IUU hiện nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trong công tác tuyên truyền, không có cách nào hay hơn là ngư dân trò chuyện cùng ngư dân để thấy những mất mát lớn nếu đánh bắt vi phạm, người đã có ý thức truyền đạt cho người chưa hiểu ra vấn đề, họ tâm tình với nhau để cùng nhau thay đổi. Ngăn chặn đánh bắt vi phạm IUU không phải chỉ là việc của chính quyền, mà hãy xem đó là việc của xã hội, tất cả hãy cùng lên tiếng, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” sẽ có hiệu quả.

Cá ngừ sọc dưa được thương lái thu mua tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cá ngừ sọc dưa được thương lái thu mua tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Qua thực tế triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU, ngành chức năng của Bình Định khoanh vùng, xác định nhóm ngư dân có tàu cá vi phạm, chủ yếu là nhóm ngư dân lâu năm không đưa tàu về địa phương, tàu cá xuất bến chủ yếu ở các cảng cá các tỉnh phía Nam.

Chính vì vậy, để ngăn chặn tận gốc, ngành nông nghiệp Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động để tuyên truyền, gặp gỡ ngư dân. Đồng thời, đoàn công tác phối hợp với chính quyền các tỉnh phía Nam xây dựng quy chế phối hợp trong tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý vi phạm IUU”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.