Khẩn trương khắc phục bất cập trong tháng hành động gỡ thẻ vàng IUU. Cung ứng thực phẩm có trách nhiệm để kích hoạt thị trường bếp ăn tập thể. Ninh Thuận đặt mục tiêu có 140 sản phẩm OCOP vào năm 2025. Đồng Tháp chọn cá tra là ngành hàng chủ lực.
KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC BẤT CẬP TRONG THÁNG HÀNH ĐỘNG GỠ THẺ VÀNG IUU
Trong Cuộc họp lần thứ 6 ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ rõ 4 bất cập tồn tại là việc cấp phép đánh bắt cho tầu cá chưa đạt yêu cầu. Số lượng thiết bị giám sát tàu cá được lắp đặt năm 2022 mới tăng 5%. Số vụ vi phạm ở các vùng biển nước ngoài vẫn là 62 vụ, 82 tàu và hơn 700 ngư dân bị bắt giữ. Việc truy xuất nguồn gốc hải sản vẫn chưa được khắc phục. Đồng thời Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các quyết định mà Thủ tướng CP đã ban hành cũng như có xây văn bản chỉ đạo cụ thể cho cấp cơ sở gỡ thẻ vàng IUU. Thành lập đoàn kiểm tra do lãnh đạo địa phương phụ trách, xử lý nghiêm minh các bất cập đang tồn tại. Xây dựng kịch bản chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu EC đến Việt Nam vào cuối tháng 10. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản biên soạn bộ câu hỏi để địa phương chủ động giải trình trước đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu EC gỡ thẻ vàng IUU.
CUNG ỨNG THỰC PHẨM CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỂ KÍCH HOẠT THỊ TRƯỜNG BẾP ĂN TẬP THỂ
Sáng 20/9, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức 'Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể'. Diễn đàn nhằm kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, rau quả của các doanh nghiệp cung cấp uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại trường học và các doanh nghiệp quy mô lớn trên cả nước. Phát biểu tại diễn đàn, Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhấn mạnh, thị trường bếp ăn tập thể nói chung và tại trường học nói riêng còn dư địa rất lớn để các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm an toàn tiếp cận và mở rộng thị phần. Để kích hoạt thị trường này, các sản phẩm khi cung cấp cần nhất quán về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, mã số vùng trồng, chất lượng thực phẩm.. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thể hiện được trách nhiệm đối với sức khỏe từng cháu học sinh, từng người lao động. Qua đó, tạo ra thương hiệu, niềm tin và giá trị bền vững đối với người tiêu dùng.
NINH THUẬN ĐẶT MỤC TIÊU CÓ 140 SẢN PHẨM OCOP VÀO NĂM 2025
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 120 - 140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 2 - 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia; phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ninh Thuận hiện đã công nhận kết quả đánh giá, phân hạng cho 69 sản phẩm OCOP gồm 51 sản phẩm hạng 3 sao; 10 sản phẩm hạng 4 sao và 8 sản phẩm có tiềm năng hạng 5 sao.
ĐỒNG THÁP CHỌN CÁ TRA LÀ NGÀNH HÀNG CHỦ LỰC
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2030, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã tổ chức lại sản xuất các ngành hàng chủ lực theo hướng áp dụng đồng bộ các giải pháp giúp kéo giảm giá thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Trong đó, cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng Tháp có 4 vùng sản xuất giống cá tra tập trung với tổng diện tích 400ha tại thị xã Hồng Ngự, các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương với hoạt động ổn định, bền vững. Cung cấp 100% con cá tra giống chất lượng cao toàn tỉnh với nhu cầu là 1,5 tỷ con cá tra giống.