Ngày 17/7, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Chỉnh sửa gen: Bối cảnh toàn cầu và tiềm năng cho Việt Nam” với mục tiêu chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm và thực tiễn triển khai hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn, tạo và cải tiến giống cây trồng trên thế giới và Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, di truyền và chọn giống cây trồng đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý, hiệp hội trong và ngoài nước và đại diện của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, đại diện Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) cho biết: Công nghệ chọn giống cây trồng tiên tiến (PBI)/chỉnh sửa gen (GEd) được phân loại là một dạng công nghệ sinh học, một công nghệ ngày càng được chấp nhận và phát triển trên toàn thế giới. Chọn giống cây trồng tiên tiến/chỉnh sửa gen là các kỹ thuật mới được sử dụng bởi các nhà chọn giống cây trồng và nhà nghiên cứu để cải thiện chất lượng các giống cây trồng. Đây là một công cụ được tạo ra với mục đích đặc biệt là cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn.
Hiện nay, một số quốc gia đã xếp công nghệ này và các sản phẩm của nó vào cùng nhóm các công nghệ và cây trồng/sản phẩm thông thường khác (Hoa Kỳ, Argentina, Nhật Bản và Chile). Tuy nhiên, Tòa án Công lý EU lại phán quyết phân loại các loại cây trồng được chỉnh sửa gen vào cùng nhóm với sản phẩm biến đổi gen (GMO).
Úc, Ấn Độ cũng dự kiến đưa ra quy định quản lý sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen chứa gen ngoại lai tương tự sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm khác không chứa gen ngoại lai được quản lý tương tự sản phẩm tạo ra từ công nghệ chọn tạo giống cây trồng truyền thống.
Ở Việt Nam, các ứng dụng vẫn còn hạn chế nhưng đang càng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm. Việt Nam hiện tại chưa có chính sách nào đề cập đến công nghệ chỉnh sửa gen.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các kỹ thuật nhân giống mới để cải tiến cây trồng ở Nhật Bản, GS.TS. Hiroshi Ezura, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đổi mới cây trồng Tsukuba đã đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn về giống cà chua của Nhật Bản được chọn, tạo bằng công nghệ chỉnh sửa gen đã có sự cải thiện về chất lượng dinh dưỡng và hàm lượng GABA cao.
GABA (axit Gamma Amino Butyric) là một loại axit amin tự nhiên hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, giúp tạo cảm giác thư thái, làm dịu sự căng thẳng và sợ hãi, đồng thời cải thiện giấc ngủ. GABA đã trở thành sản phẩm thực phẩm chức năng phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên GABA không có sẵn từ nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên. Chính vì vậy, việc tạo ra giống cà chua mới có hàm lượng GABA tăng cao nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gen là một thành tựu lớn, và giống cà chua này sắp tới sẽ được phát triển đại trà tại Nhật Bản.
Theo các nhà khoa học, các chính sách, quy định về chỉnh sửa gen có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Trong khi Hoa Kỳ và một số quốc gia khác xác định giống cây trồng mới tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen không khác biệt về mặt di truyền với giống cây trồng tạo ra bằng các kỹ thuật, công nghệ truyền thống nên không cần thiết phải ban hành văn bản quản lý mới về công nghệ chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen.
Liên minh Châu Âu (EU) coi giống cây trồng tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen là cây trồng biến đổi gen và đang giao Cục An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đánh giá mức độ tương thích của các phương pháp đánh giá rủi ro hiện có với những sản phẩm tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen. Nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng chính sách và hướng dẫn quản lý cây trồng chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra.