| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thành phố Trung Quốc chìm trong khói bụi ô nhiễm

Thứ Sáu 06/01/2017 , 10:15 (GMT+7)

Bắc Kinh cùng rất nhiều các thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc, hiện đang chìm trong khói bụi ngay trong những ngày đầu năm mới 2017. 


Thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói bụi ngày 2-1. Ảnh: CNN
 

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng này đang là một thách thức lớn với chính phủ Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế ở đất nước 1,4 tỷ dân này.
 

Ô nhiễm do pháo hoa?

Đốt pháo hoa là truyền thống lâu đời của người Trung Quốc mỗi dịp năm mới. Họ tin rằng đốt pháo hoa sẽ xua đuổi được ma quỷ và chào đón những điều tốt đẹp, may mắn. Nhưng chính quyền Trung Quốc cho rằng, pháo hoa không mang tới những “điều tốt đẹp”. Nó là một trong những nguyên nhân gây ra làn khói bụi dày đặc trong không khí.  Và vì vậy, trong đêm giao thừa chào năm dương lịch 2017, bầu trời ở khắp Trung Quốc đã không lung linh như thường lệ.

Mặc dù không đốt pháo hoa, người dân thủ đô Bắc Kinh đã đón buổi sáng đầu tiên của năm 2017 trong tình trạng khói mù dày đặc, với nồng độ các hạt phân tử độc hại cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn quốc tế.

Nó khiến người ta phải đặt câu hỏi rằng, sự ô nhiễm có phải xuất phát từ pháo hoa hay là từ các nhà máy và khu khai thác than không được kiểm soát ở nước này?

Tỉnh Sơn Tây nằm ở phía Bắc Trung Quốc, hiện có chỉ số về chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) lên tới 851, đang là trung tâm của các ngành công nghiệp nặng. Công nghiệp Sơn Tây phát triển nhiều năm qua dựa trên nguồn tài nguyên than đá phong phú tại Thái Nguyên và Tấn Trung.

Không chỉ có than đá, Sơn Tây còn có các ngành công nghiệp dùng nhiều nguyên liệu là năng lượng hóa thạch, như hóa chất công nghiệp, phân bón hóa học, xi măng, giấy, dệt may, và rượu… Các trung tâm khai mỏ và gang thép khác còn nằm cả ở Dương Tuyền, Trường Trị, Đại Đồng và Lâm Phần góp phần vào việc cung cấp 70% năng lượng bằng than đá cho nước này.

Các biện pháp cấm pháo hoa tại Trung Quốc cũng đang gây ra những tranh cãi. Nhiều người sử dụng trang mạng Weibo, trang mạng phổ biến nhất của Trung Quốc, gọi đó là hành động nhằm trốn tránh trách nhiệm về môi trường của họ. “Chúng ta có rất nhiều nhà máy không được kiểm soát về môi trường, sau đó chúng ta lại đổ lỗi cho một kì nghỉ quốc gia”, một người viết.

Người khác thậm chí còn đưa ra một bằng chứng rõ ràng hơn. Đó là vào trước buổi lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai năm 2015, chính phủ Bắc Kinh đã đóng cửa các cơ sở công nghiệp và giảm lượng khí thải xe để đạt được một "cuộc diễu binh xanh" cho dịp này. Chính động thái này đã giúp không khí đạt mức ô nhiễm thấp nhất. Điều đó chứng tỏ rằng, chính phủ Trung Quốc đã quá biết nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm nằm ở đâu.
 

Tình trạng ô nhiễm “ổn định”

Bằng một tiêu đề “Khói bụi trong không khí nhưng màu xanh ở đường chân trời”, trang ChinaDaily cho rằng, các biện pháp của chính phủ bắt đầu từ năm 2013, sau 3 năm, đang phát huy tác dụng.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) không được phép lớn hơn 25 (microgram/m3). Số liệu của Bộ Bảo vệ môi trường cho thấy, nồng độ PM2.5 ở Bắc Kinh đã giảm 9,9% trong năm 2016 - nhưng vẫn đang vượt 109% so với tiêu chuẩn quốc gia. Trích dẫn nguồn từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, hãng tin Reuters báo cáo rằng năm 2016 đã có 198 ngày “bầu trời xanh”, nhiều hơn 12 ngày so với năm 2015.


Sương mù dày đặc ngày 3/1 đã khiến hàng loạt chuyến bay tại Trung Quốc bị hủy, đường cao tốc ngừng hoạt động... Ảnh: Reuters.
 

Một đoạn video clip tua nhanh dài 12 giây được quay cách đây vài ngày cho thấy, “đường chân trời” đã bị che khuất sau một bức màn sương khói dày đặc ở thủ đô Bắc Kinh. Nồng độ PM2.5 đo được ở mức 500, trong khi mức an toàn của WHO khuyến cáo là 25. Tình trạng ô nhiễm có thể đã được cải thiện, nhưng không đáng kể.

Chỉ số về chất lượng không khí AQI cũng cho thấy điều đó.

Nếu như thành phố Hà Nội của Việt Nam hiện có chỉ số AQI dao động từ 77 đến 89 thì dữ liệu cập nhật trong vòng 48 giờ qua cho thấy chỉ số trung bình ở Bắc Kinh đang ở mức 352. Mức báo Nguy hiểm. Với mức báo này, sức khỏe con người có thể bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng và họ được khuyến cáo không nên ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Thậm chí, vào hôm 1/1/2017, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Bắc Kinh đạt mức trên dưới 500, mức nguy hiểm cao nhất.

Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho biết, gần 62% các thành phố Trung Quốc đang bị ô nhiễm không khí. Trong số 338 thành phố do Bộ này quản lý, 7,1% có chỉ số AQI trên 300, 24,9% bao gồm cả Bắc Kinh có chỉ số AQI dao động từ 201 đến 300, 15,1% có chỉ số AQI từ 151 đến 200 và 14,8% còn lại có chỉ số AQI từ 101 đến 150. Trong khi, mức chấp nhận được là dưới 100.
 

Biện pháp thực thi

Bằng những chính sách cương quyết vốn có của chính quyền Bắc Kinh, dịp Tết âm lịch năm nay người dân Trung Quốc sẽ bị hạn chế đốt pháo, mua 5 hộp pháo hoa trở lên phải đăng kí với chính quyền. Hơn nữa, nếu tình trạng ô nhiễm tăng lên mức nguy hiểm, thành phố sẽ cấm bán pháo hoa. Ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải cũng sẽ giảm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Thành phố lịch sử Hàng Châu nằm gần Thượng Hải, lần đầu tiên hủy bỏ bắn pháo hoa, một truyền thống lâu đời.

Hiện tại, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn đang phát triển với một tốc độ đáng kể. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra ở mức 6,5% trong những năm năm tới. Chính vì đặt một mục tiêu tăng trưởng lớn, Trung Quốc đồng thời cũng phải ban hành nhiều chính sách nghiêm ngặt về bảo vệ môi trưởng. Nếu một công ty gây tổn hại hoặc đe dọa tới môi trường, họ sẽ bị loại bỏ mà “không do dự”.


Khói thải ra từ một số nhà máy ở TP Thái Nguyên, Sơn Tây. Ảnh: Reuters
 

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ than và ưu đãi cho những doanh nghiệp có ý tưởng phát triển xanh, và cắt giảm sản lượng dư thừa trong các ngành công nghiệp thép cũng như than đá.

Đầu tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phê chuẩn Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu. Điều này khiến Trung Quốc cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề năng lượng và môi trường. Nhưng chắc chắn đây sẽ là bài toán nan giải với nước này. Bởi vì, biện pháp để đạt tới những mục tiêu về kinh tế và môi trường thường là mâu thuẫn nhau, sẽ khó cùng nhau hoạt động hiệu quả.                                                                                    

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.