| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại nặng do mưa bão số 2

Thứ Ba 04/08/2020 , 18:17 (GMT+7)

Mưa bão liên tiếp mấy ngày qua gây thiệt hại hàng ngàn ha lúa, rau màu, sạt lở bờ sông, tàu đánh cá bị chìm và sập hàng trăm căn nhà của người dân.

Mưa giông nhiều ngày qua khiến lúa đổ hàng loạt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mưa giông nhiều ngày qua khiến lúa đổ hàng loạt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, hầu hết các địa phương trong tỉnh xảy ra mưa dông, gió mạnh, đã làm 1 người bị thương, thiệt hại 548 căn nhà của người dân và trụ sở cơ quan, trường học. Trong đó, có 32 căn nhà bị ngập nước sâu từ 30-40 cm, sập 140 căn nhà, tốc mái 376 căn.

Ngoài ra, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm 1.345ha diện tích trồng chuối tại huyện U Minh Thượng bị đổ ngã, gây thiệt hại trên 70%. Tại huyện Kiên Lương, mưa lớn làm 20ha lúa hè thu bị ngập, địa phương chủ động bơm nước kịp thời nên không gây thiệt hại. Riêng trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, do sóng to gió lớn đã làm 7 chiếc tàu đánh cá nhỏ bị chìm và làm đổ ngã một số cây xanh ven đường. Huyện đảo Kiên Hải xảy ra lốc xoáy làm 1 tàu hàng và 1 tàu đánh cá bị chìm, hư hỏng 30m đường giao thông nông thôn. Ước tổng thiệt hại về vật kiến trúc, nhà cửa, lúa, rau màu… do mưa bão gây ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ ngày 1/8 đến nay là 7,2 tỷ đồng.

Trước mắt, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã tạm ứng ngân sách địa phương để chi hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả do thiên tai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể của huyện đã đến động viên, thăm hỏi các hộ dân bị thiệt hại, đồng thời huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để giúp đỡ những hộ bị thiệt hại vượt qua hoạn nạn.

Tại Hậu Giang, diện tích lúa hè thu đã xuống giống được 77.339ha, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh đến thu hoạch. Lúa thu đông, toàn tỉnh đã xuống giống trên 35.300ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Do ảnh hưởng của tình hình mưa bão những ngày qua, trên địa bàn Hậu Giang đã có 718ha lúa hè thu bị đổ ngã, gây thiệt hại năng suất từ 5-20% và 1.615ha lúa thu đông bị ngập úng, thiệt hại 5-50%.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã khuyến cáo nông dân tranh thủ thu hoạch sớm đối với trà lúa hè thu muộn 2020 đã đến giai đoạn chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và tích cực chủ động bơm chống ngập lúa thu đông.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh đã bị sập 52 căn nhà, tốc mái 236 căn, ước tổng thiệt hại gần 4,1 tỷ đồng. Ngoài ra, từ đầu tháng 8 cho đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra 5 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 111m, diện tích đất bị mất 427m2.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: Qua thống kê sơ bộ, tính đến ngày 4/8, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 2 người dân ở thành phố Châu Đốc (An Giang) bị thương do cây đổ ngã, 19 căn nhà bị sập và tốc mái (sập hoàn toàn 2 căn, tốc mái hoàn toàn 1 căn, tốc mái xiêu vẹo một phần 16 căn).

Nhiều nhà cửa bị bay tốc mái.

Nhiều nhà cửa bị bay tốc mái.

Mưa lớn đã làm 7.166 ha lúa hè thu và thu đông của bà con nông dân ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tri Tôn, Chợ Mới, Thoại Sơn, Long Xuyên, Châu Thành... bị đổ ngã. Trong đó, diện tích lúa hè thu bị đổ ngã 7.070 ha, lúa thu đông bị đổ ngã 96 ha.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tại khu vực khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên (An Giang) xuất hiện các vết nứt đất dọc bờ kênh, với chiều dài 14m, khu vực xuất hiện nứt không có hộ dân sống.

Sau thiên tai xảy ra, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên. Đồng thời, huy động lực lượng công an, quân sự xã cùng với người dân địa phương hỗ trợ, giúp hộ bị thiệt hại di dời tài sản, dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa sớm ổn định chỗ ở.

Hiện, các địa phương đang khai thông các kênh, mương nội đồng để thoát nước từ ruộng ra ngoài hạn chế ngập úng; đối vùng trũng, tiến hành bơm rút nước chống úng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương chủ động biện pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm ‘‘bốn tại chỗ’’. Đồng thời thực hiện chằng chống nhà cửa, kiểm tra các cây cao dễ đổ ngã, đường dây điện để có phương án đảm bảo an toàn trong suốt mùa mưa, bão.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.