| Hotline: 0983.970.780

Nhiều vườn chôm chôm bị cháy lá, giảm năng suất do nhiễm mặn

Thứ Năm 27/06/2024 , 07:13 (GMT+7)

TRÀ VINH Trong số 65ha chôm chôm ở cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), khoảng một nửa diện tích bị cháy lá và giảm năng suất do bị nhiễm mặn.  

Vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Tới ở ấp Tân Quy 2 (xã An Phú Tân) bị cháy lá làm giảm năng suất, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Tới ở ấp Tân Quy 2 (xã An Phú Tân) bị cháy lá làm giảm năng suất, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hồ Thảo.

Huyện Cầu Kè là vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh Trà Vinh, trong đó phần lớn diện tích chôm chôm được người dân trồng trên cù lao Tân Quy (thuộc xã An Phú Tân). Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch cù lao này thành điểm du lịch cộng đồng để phát huy thế mạnh về cây ăn trái, đặc biệt là chôm chôm.

Tuy nhiên, hiện nay bà con đang thấp thỏm vì nhiều vườn chôm chôm đang cho trái bị cháy lá và giảm năng suất. Đa số người dân cho biết đã tìm đủ mọi cách để phục hồi vườn chôm chôm nhưng không có hiệu quả, thậm chí nhiều hộ đã đốn bỏ để trồng cây khác.

Ông Nguyễn Văn Tới ở ấp Tân Quy 2 (xã An Phú Tân) cho biết, gia đình có 7 công chôm chôm, trước đây cho năng suất trung bình khoảng 20 tấn trái mỗi năm. Mấy năm trở lại đây, vào khoảng tháng giêng (âm lịch) hàng năm, cây bắt đầu ra bông thì bị cháy lá từ đầu vào cuống rồi rụng dần và không đậu trái. Nếu có trái thì cũng nhỏ, chất lượng kém, giá thấp.

“Thấy tiếc không nỡ đốn tôi đã thử cắt đọt, bón phân các kiểu để cây lên tược mới nhưng không bao lâu tình trạng cũ vẫn tái diễn. Hết cách, tôi phải cưa bỏ từ từ để trồng mít Thái”, ông Tới thổ lộ.

Tương tự, ông Trần Văn Be (ngụ cùng địa phương) cho biết, nhiều hộ tại địa phương từng khá giả nhờ cây chôm chôm nhưng cũng không ít người thua lỗ bởi cây trồng khó tính này.

Theo nhiều nông dân, vườn chôm chôm bị cháy lá cây không đủ sức nên ra trái nhỏ, năng suất giảm mạnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo nhiều nông dân, vườn chôm chôm bị cháy lá cây không đủ sức nên ra trái nhỏ, năng suất giảm mạnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Khoảng năm 2000, vườn chôm chôm hơn 100 gốc của ông Be đang chuẩn bị ra trái thì bị cháy lá. Ông đã đốn bỏ hết rồi trồng mới lại, nhưng sau vài năm, cây vẫn gặp tình trạng cũ, gây thất thu hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Be, cây chôm chôm trồng 5 năm mới cho trái, với chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng/công (1 công = 1.000m2) và đến năm thứ 7 mới có thể thu hồi vốn. Hiện tượng cháy lá thường xuất hiện ở năm đầu cho trái, khiến năng suất giảm khoảng 50%, nhà vườn thua lỗ nặng. Vì vậy, nhiều bà con đã chuyển sang trồng ổi, mít, sầu riêng để đảm bảo thu nhập.

“Trung bình 1 cây chôm chôm từ 7 năm tuổi trở lên có thể cho năng suất khoảng 300kg/năm. Khi bị bệnh, sản lượng giảm hơn một nửa, trái nhỏ, èo ọt, giá bán hiện nay chưa tới 150 ngàn đồng mỗi cây/năm, tính ra còn thua trồng dừa nên tôi đã chuyển sang trồng ổi”, ông Be chia sẻ.

Theo UBND xã An Phú Tân, trên địa bàn cù lao Tân Quy hiện có 65ha chôm chôm, trong đó vườn cây bị cháy lá chiếm khoảng 50% diện tích và số chôm chôm đã đốn bỏ khoảng 25ha, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.

Ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết, nguyên nhân khiến chôm chôm bị cháy lá và giảm năng suất là do hệ thống cống ngăn mặn trên cù lao Tân Quy chưa được khép kín, dẫn đến những tháng hạn nước mặn xâm nhập vào sâu các kênh rạch vào ao vườn của người dân, lâu ngày gây ra hiện tượng cháy lá.

Hiện nay chôm chôm giá rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg nên nhiều nông dân không còn tha thiết với cây trồng này. Ảnh: HT.

Hiện nay chôm chôm giá rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg nên nhiều nông dân không còn tha thiết với cây trồng này. Ảnh: HT.

Một nguyên nhân khác là do nhiều vườn đã già cỗi, cùng với giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, trong khi chôm chôm chỉ có giá 10.000 đồng/kg nên nông dân không còn tha thiết cải tạo vườn khi cây suy kiệt và gây ra hiện tượng trên. Cùng với đó, thời tiết nắng nóng ngày càng cực đoan cũng ảnh hưởng lớn đến cây trồng.

Ông Kha cho biết thêm, bên cạnh hệ thống đê bao đã hoàn thiện, hiện tỉnh đang thi công 9 cống ngăn mặn trên địa bàn cù lao Tân Quy để bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó đã hoàn thành 4 cống và dự kiến 5 cống còn lại sẽ đưa vào vận hành trong năm nay.

Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cũng thường xuyên đo kiểm tra độ mặn, tập huấn các kỹ thuật canh tác, hướng dẫn và vận động bà con giữ lại vườn chôm chôm để phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân để cây phục hồi, sử dụng phân hữu cơ nhằm đem lại năng suất và lợi nhuận cho người dân trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây chôm chôm.

Xem thêm
Ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Liên minh Đổi mới chăn nuôi lợn an toàn sinh học ra mắt nhằm nâng cao an toàn, cải thiện sinh kế, đảm bảo phục hồi trước dịch bệnh và thách thức môi trường.

Chó hoang cắn 4 người: Lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại

Con chó hoang chạy trên đường cắn 4 người bị thương được cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đi xét nghiệm bệnh dại.

Kỳ vọng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối

BẠC LIÊU Tỉnh Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh được triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình).

Bình luận mới nhất