| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ vườn trái cây đặc sản trước nguy cơ xâm nhập mặn

Thứ Hai 05/02/2024 , 15:10 (GMT+7)

Bến Tre là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn ở ĐBSCL, trên 25.000ha với đa dạng chủng loại như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, xoài.

Tranh thủ trữ nước, thu hoạch trước khi mặn đến

Theo dự báo gần đây nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bến Tre, xâm nhập mặn có thể tương tự như năm 2015-2016, không loại trừ những diễn biến thất thường, chính vì vậy việc quan tâm bảo vệ sản xuất nông nghiệp đặc biệt những vùng cây ăn trái đặc sản hết sức quan trọng.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trước nguy cơ ảnh hưởng của hạn mặn, bà con nông dân ở Bến Tre vui xuân nhưng cũng đề cao cảnh giác phòng xâm nhập mặn.

Nông dân trồng nhãn cù lao Tam Hiệp, huyện Bình Đại tích nước phòng, chống hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân trồng nhãn cù lao Tam Hiệp, huyện Bình Đại tích nước phòng, chống hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Cù lao Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre là địa phương trồng nhiều loại trái cây đặc sản như nhãn xuồng cơm vàng, thanh nhãn, nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh… với diện tích khoảng 700ha. Để bảo vệ sản xuất, Ban quản lý dự án đầu tư công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã đầu tư đê bao ngăn mặn, trữ ngọt cũng như phòng, chống sạt lở cho vùng dất cù lao này. Mùa khô năm nay, bà con nông dân đã chủ động vét mương, đào ao lót bạt trữ nước ngọt.

Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc HTX Tam Hiệp cho biết: “Thời gian qua, bà con đã có ý thức trong phòng chống hạn mặn, đặc biệt làm tốt công tác trữ nước ngọt. Năm nay, một số nhà vườn không xử lý nghịch vụ để cây nhãn cho trái vào dịp Tết vì sợ nước mặn xâm nhập sâu”.

Sầu riêng là một trong những loại cây trồng rất nhạy cảm với nước mặn, chịu mặn dưới 0,3‰. Ở Bến Tre, cây sầu riêng được trồng nhiều ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Riêng tại huyện Châu Thành, năm nay, địa phương được Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 9 (Bộ NN-PTNT) bàn giao đưa vào sử dụng 2 công trình ngăn mặn - trữ ngọt là cống Bến Rớ và cống Tân Phú. Nhân dân địa phương rất phấn khởi vì không còn sợ nước mặn tấn công, ở lì trong các con rạch như những mùa khô trước.

Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành đào, lót bạt trữ nước tưới cho cây sầu riêng mùa hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành đào, lót bạt trữ nước tưới cho cây sầu riêng mùa hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Hòa, một nông dân ở xã Tân Phú có 16 công sầu riêng đang mang trái, cho hay, dự kiến khoảng mồng 7 Tết này, vườn sẽ thu hoạch được 15 tấn. Ông phấn khởi nói: “Có cống đỡ hơn, phòng chống nước mặn tốt. Tuy nhiên, những vườn đất thấp phải trang bị thêm máy bơm để tránh ngập úng. Mấy ngày trước, xâm nhập hơn 1‰ tới xã An Hiệp, huyện Châu Thành rồi. Tuy bây giờ chưa tới đây nhưng bà con cũng theo dõi sát sao, có thông báo mặn trong nhóm zalo. Tôi theo dõi suốt, hai ngày trước xâm nhập mặn là trữ nước liền”.

Bưởi da xanh cũng là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bến Tre với diện tích hơn 9.440ha, tập trung ở Châu Thành, thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Bưởi chịu độ mặn khá, khoảng 2‰. Những ngày này, bà con tranh thủ thu hoạch trước Tết, không để cây mang trái vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm) cho biết, cách đây khoảng 10 ngày đã có nước mặn 0,3 - 0,4‰ xâm nhập vào các cửa sông. Bà con tranh thủ tích nước trước khi độ mặn tăng cao, để dành tưới trong mùa khô tới. “Mình tưới cho nó ướt đẫm như mưa rồi đậy gốc giữ ẩm và đặc biệt là không để mang trái thì cây có thể chịu được cả tháng. Qua mùa khô, dùng nước tích dưới mương tưới nhỏ giọt cầm cự”, ông Bảy chia sẻ.

Nông dân trồng bưởi da xanh tranh thủ thu hoạch trước Tết, không để cây mang trái trong mùa khô hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân trồng bưởi da xanh tranh thủ thu hoạch trước Tết, không để cây mang trái trong mùa khô hạn. Ảnh: Minh Đảm.

Thông tin kịp thời tình hình hạn mặn

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, để ứng phó và hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra, chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên phổ biến kịp thời thông tin tuyên truyền, chuyển tải tình hình xâm nhập mặn đến với người dân. Bên cạnh đó, các công trình đầu mối trong quản lý thủy lợi cũng phải được kiểm tra sát sao, chặt chẽ việc vận hành cho phù hợp để hạn chế tác hại của xâm nhập mặn.

Ông cũng cho rằng, do một số công trình chưa hoàn chỉnh nên giải pháp phi công trình cũng rất quan trọng. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn mặn trước, để quản lý nguồn nước, các địa phương đã có sự chuẩn bị bằng công cụ theo dõi độ mặn. Ngoài ra, người dân cũng theo dõi sát sao khi đưa nước vào nội đồng, tưới cây.

Cùng với đó, bà con nông dân áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại trên đồng ruộng mà ngành nông nghiệp đã phổ biến trong thời gian qua, cụ thể như: biện pháp giữ cỏ che đậy mương vườn, tỉa bớt cành nhánh, chống thất thoát hơi nước… Đặc biệt, một số bà con nông dân đã chuyển đổi mùa vụ lấy trái trong mùa mặn.

“Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bà con tạo trái, tạo hoa trong thời điểm mặn. Chúng tôi khuyến cáo mạnh dạn bỏ bớt hoa, trái để tránh tổn thương sức khỏe cây trong điều kiện hạn mặn. Đối với những vườn đã thu hoạch rồi cũng nên theo dõi mặn, không để nước mặn xâm nhập vào.

Bên cạnh đó, những mô hình đào ao tích trữ nước đạt hiệu quả rất cao, bà con có ao lót bạt đồng thời sử dụng những bao chứa nước trong mương. Đó là những giải pháp rất tốt. Thời điểm này, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con tích cực chuẩn bị, dự trữ nước cho thật là tốt để phòng chống hạn mặn. Ngoài ra, những mô hình như tưới nước tiết kiệm cũng phát huy hiệu quả, bà con nên chú ý”, ông Huỳnh Quang Đức khuyến cáo.

ĐBSCL: Mặn lên cao nhất thời điểm tháng 2-3

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo nguồn nước về ĐBSCL mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, với ranh giới mặn 4 g/l (hay 4‰) từ 50-65 km từ cửa sông. Tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70 km. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

“Ngày 23/1, Bộ NN-PTNT đã ra Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024, các địa phương cần chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong năm ở điều kiện như dự báo”, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.