Tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” đại diện các tổ chức, Hiệp hội, hội, doanh nghiệp tham gia đã nêu lên những vướng mắc trong các quy định của Luật Trồng trọt.
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đánh giá, Luật Trồng trọt có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều điểm cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ nhất, hiện nay Bộ NN-PTNT đang quy định danh mục cây trồng chính, tuy nhiên, chúng ta hội nhập, nhìn ra xung quanh, nhiều quốc gia không cần quy định cây trồng chính. Do đó, kiến nghị chỉ để cây lúa là cây trồng chính, các loại cây trồng khác chưa cần thiết.
Thứ hai, cần nghiên cứu chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về khảo kiểm nghiệm giống. Hiện tại, chúng ta có 2 mức là tạo giống mới và công nghiệp hạt giống. Trong quy chuẩn, nhất là trên cây lúa vùng khảo nghiệm đang để quá nhiều (18 điểm khảo nghiệm) dẫn tới tốn kém chi phí cho các đơn vị. Cho nên, kiến nghị chỉ cần quy định 2 điểm khảo nghiệm, một từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc và từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam.
Thứ ba, điều chỉnh những quy chuẩn, tiêu chuẩn xác định VCU, DUS. Bởi lẽ, các đơn vị khi tự công nhận giống đã tiến hành khảo nghiệm VCU và DUS (đưa ra khảo nghiệm 18 vùng sinh thái, nếu 15 vùng đạt yêu cầu mới quay lại khảo nghiệm diện hẹp). Do đó, nên nghiên cứu rút gọn thủ tục việc tự công bố. Các đơn vị chỉ cần công bố lên cổng thông tin điện tử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình. Cục Trồng trọt làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp nào không thực hiện theo đúng những gì đã công bố sẽ tiến hành xử phạt.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng - Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam chia sẻ, quy định đặc cách chỉ là một phương pháp lưu hành cho nên tại quy định về điều kiện cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 21); điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 22); Cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng (Điều 15) chưa thực sự là những phương án tối ưu.
Trên cơ sở đó ông Minh kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần ban hành một văn bản liệt kê các trường hợp cụ thể, tránh việc quyết định hết hạn lại được tiếp tục gia hạn cho các công ty được sử dụng những sản phẩm giống, quyền tác giả bị chuyển đổi… Bên cạnh đó, cần có một giới hạn cho quyền bảo hộ để tất cả mọi người có quyền sử dụng.
Đối với quy định về các loại cây trồng chính, ông Minh cho rằng quy định danh mục cây trồng chính gồm 6 loại là quá nhiều. Việc quy định quá nhiều loại cây trồng chính sẽ dẫn tới việc không biết đến bao giờ mới có đầy đủ các quy định đối với từng loại giống cây trồng này.
Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam cho rằng, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.
Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm VCU và DUS hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.
Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.
Bà Chi cũng đánh giá, một số quy định của Luật chưa hỗ trợ hiệu quả chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến khích đưa các giống cây mang tính trạng cải tiến như chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận và biến đổi khí hậu mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đề ra trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Chưa phù hợp với khuyến nghị của UPOV (Việt Nam là thành viên) và chưa hài hoà với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở đó, bà Đặng Ngọc Chi đề xuất: Bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc BVTV và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) vào hai tiêu chuẩn DUS (TCVN 13382-2:2021) và VCU (TCVN 13381-2:2021) đối với cây ngô. Cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về năng suất trong tiêu chí công nhận từ 10% xuống 5% trong tiêu chuẩn VCU đối với cây ngô (TCVN 13381-2:2021).