| Hotline: 0983.970.780

Nhiều xã giảm tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới

Thứ Hai 30/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nhiều địa phương tại Đắk Lắk sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì lại bị rớt tiêu chí theo bộ đánh giá mới.

Tính đến, tháng 6/2024, Đắk Lắk có 79 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có 74 xã đã được UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên theo bộ tiêu chí mới, hiện nay một số xã tại Đắk Lắk sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã bị hạ tiêu chí.

Tại huyện Krông Năng, tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các xã: Ea Tóh, Phú Lộc, Phú Xuân, Ea Tam, Tam Giang. Trong đó tổng tiêu chí toàn huyện Krông Năng là 183 tiêu chí xã nông thôn mới; bình quân trung bình đạt: 16,63 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, sang giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới và bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025, kết quả rà soát bộ tiêu chí toàn huyện đạt 158 tiêu chí; bình quân 14,36 tiêu chí/xã. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giảm 10 tiêu chí so với giai đoạn 2016 - 2020, gồm: giảm 5 tiêu chí giao thông và giảm 5 tiêu chí hộ nghèo.

5 xã tại huyện Krông Năng bị giảm tiêu chí nông thôn mới theo bộ đánh giá mới. Ảnh: Quang Yên.

5 xã tại huyện Krông Năng bị giảm tiêu chí nông thôn mới theo bộ đánh giá mới. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, tiêu chí số 2 về giao thông (bộ tiêu chí xã nông thôn mới), gồm 4 chỉ tiêu con qua đối chiếu có sự khác biệt rõ rệt ở chỉ tiêu 2.2 (tỷ lệ đường thôn, buôn). Ở giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo tỷ lệ ≥ 50%; giai đoạn 2021 - 2025, phải đảm bảo tỷ lệ 100%, phần chênh lệch giữa hai giai đoạn là 50%, và cần nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện 50% phần chênh lệch này.

Còn đối với nguyên nhân sụt giảm tiêu chí nghèo đa chiều theo quy định mới, còn trước đây, tiêu chí số 11 có tên gọi “hộ nghèo”, được xác định mức độ đạt trên đối tượng hộ nghèo của từng xã (yêu cầu đạt dưới 7%) . Tuy nhiên, sang giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 11 thay đổi tên gọi thành “nghèo đa chiều”, với sự thay đổi tên gọi, định nghĩa và khoảng cách chênh lệch trong cách thức tính toán giữa hai giai đoạn nên các xã chưa có sự chuẩn bị, cũng như đòi hỏi nhiều thời gian để các xã khắc phục và hoàn thành tiêu chí số 11.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Đắk Lắk, bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020) có nhiều chỉ tiêu mới, một số tiêu chí tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Cụ thể tiêu chí về giao thông (quy định 100% đường xã, đường thôn buôn phải được cứng hóa), tiêu chí về thu nhập (năm 2024 phải hơn hoặc bằng 45 triệu đồng/người/năm đối với xã khu vực II, khu vực III, và hơn hơn hoặc bằng 50 triệu đồng/người/năm đối với xã còn lại), tiêu chí về nghèo đa chiều (tính cả hộ nghèo và cận nghèo), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%, tỷ lệ hộ thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên 30%…

Ngoài ra, các xã phải đạt tỷ lệ 100% (19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu) mới được đánh giá là đạt chuẩn nông thôn mới. Nói cách khác mỗi tiêu chí phải đạt 10/10 điểm thì mới đánh giá là đạt tiêu chí và công nhận nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Lắk đánh giá đạt các tiêu chí khi có số điểm từ 7,5 - 10 điểm/tiêu chí. Như vậy, để một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là rất khó thực hiện.

“Hiện nay các ngành đã có hướng dẫn về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ hướng dẫn các địa phương áp dụng để phù hợp với thực tiễn”, đại diện Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Đắk Lắk thông tin.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.