| Hotline: 0983.970.780

Nhìn thẳng hạn chế, tạo tầm vóc mới cho nông nghiệp

Thứ Tư 01/12/2021 , 19:02 (GMT+7)

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cường quốc nông sản

Ngày 1/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có buổi làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình thực hiện và công tác tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, trong 35 năm giai đoạn phát triển, đổi mới và mở cửa, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên toàn diện tất cả các lĩnh vực. Và để đạt được những thành tựu chung đó có sự góp phần quan trọng từ việc triển khai tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 26 hay còn được gọi là Nghị quyết về tam nông.

Nghị quyết số 26 đã đưa ra những nền tảng quan trọng cho 3 vấn đề lớn: nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kì Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết sau 13 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết sau 13 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cụ thể giai đoạn 2008 - 2020, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khá cao với tốc độ trung bình 2,94%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 8,17%/năm và cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Nông sản Việt Nam đã xuất hiện trên hầu hết các thị trường quốc tế với 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về nông sản. Vấn đề về an ninh lương thực và đói nghèo đã cơ bản được giải quyết.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm với những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Thu nhập bình quân ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh với tốc độ trung bình 1,5%/năm, hết năm 2020, mức chung còn 4,2%. Cảnh quan môi trường của nông thôn ngày càng được cải thiện, làng xã xanh sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng ở nhiều lĩnh vực trong khu vực tam nông của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt giá trị tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua có xu hướng chậm lại và chưa đạt được sự bền vững.

Xây dựng nông thôn mới chưa gắn kịp với đô thị hóa, công nghiệp hóa. Thu nhập ở nông thôn còn thấp. Chênh lệch vùng miền giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, ngày càng có nguy cơ lan rộng. Vai trò của cộng đồng chưa phát huy tốt nếp sống văn hóa nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hóa của dân tộc tại một số địa phương đang có nguy cơ bị mai một.

Cảnh quan môi trường của nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cảnh quan môi trường của nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Tuấn Anh phân tích, trong giai đoạn mới với bối cảnh mới, nhiều thách thức liên quan đến công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng như quá trình toàn cầu hóa đã xuất hiện. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những chuyển biến nhanh chóng về công nghệ cũng như kinh tế số. Thiên tai dịch bệnh ngày càng phức tạp, đặc biệt biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước cũng như khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các vấn đề xã hội liên tục nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra những phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc. Hậu quả và tác động của đại dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người yếu thế, trong đó người nông dân là đối tượng chiếm phần lớn.

“Với những thành tựu trước những hạn chế, thời cơ và thách thức đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và luôn đề ra những chủ trương, định hướng xác thực với bối cảnh, tình hình mới để khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của đất nước và bổ sung phát triển những chủ trương đó ở tầm cao mới, đặc biệt là thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Linh hoạt hóa ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới

"Bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, đưa ra những hạn chế, chúng ta cũng cần nhìn nhận và tìm cách giải quyết những vấn đề mới trong bối cảnh mới, thời đại mới và diễn biến mới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mở đầu phần phát biểu tại chương trình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần giải quyết được những vấn đề mới trong bối cảnh mới, thời đại mới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần giải quyết được những vấn đề mới trong bối cảnh mới, thời đại mới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhớ lại năm 2008, thời điểm Nghị quyết số 26 ra đời, dấu ấn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam vẫn còn mờ nhạt, khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng chưa được tiếp cận. Trong khi vào thời điểm đó, cả thế giới đã bắt đầu tiếp cận đến vấn đề số hóa nền kinh tế, số hóa xã hội, số hóa quản lý Nhà nước.

“Năm 2008, chúng ta cũng chưa nhắc tới khái niệm VUCA: biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ. Qua đó có thể thấy một Nghị quyết mang tầm nhìn dài hạn mà phải đối mặt với những yếu tố bất ổn định như vậy sẽ tồn tại nhiều vấn đề, nhiều tư duy cần phải thay đổi, nhiều chương trình cần được cụ thể hóa, linh hoạt hóa”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định.

Bên cạnh đó, thời kì hậu Covid-19, một dòng người từ thành thị trở về nông thôn đã cho thấy 3 đỉnh trong tam giác nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần có những cách tiếp cận rất khác so với hơn 10 năm trước.

Trước đây, ngành nông nghiệp có thể tự hào khi khu vực nông thôn đã đóng góp nguồn lao động cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng với bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp phải nhìn nhận lại, định hướng lại vấn đề quan trọng này.

“Chúng ta không chỉ đánh giá ngành nông nghiệp thông qua 14% tăng trưởng GDP mà còn cần đánh giá nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong một cấu trúc kinh tế, xã hội để có thể đạt được sự phát triển bền vững. Cần phải nhấn mạnh lại một lần nữa: Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn là thước đo, sự bền vững của quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng cũng thông tin, để xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 cũng như để phục vụ cho tổng kết Nghị quyết số 26, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều buổi diễn đàn, tọa đàm với các khối ngành nông nghiệp và các tổ chức nước ngoài để tiếp cận những vấn đề mới, đồng thời nhìn lại những vấn đề vốn đang tồn tại.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD; cả nước có ít nhất 80% số xã, 50% đơn vị cấp huyện, 15 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; có ít nhất 90% số xã, 70% đơn vị cấp huyện, 25 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập dân cư nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020; lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 15%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 42 - 43%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại. Người dân nông thôn có mức sống tương xứng tương đương của nước phát triển có thu nhập cao. Nông thôn văn minh, thịnh vượng, điều kiện sống ngang bằng các đô thị văn minh, kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối chặt chẽ, hài hoà với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.