| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn nghề nuôi ong 'du mục' theo những mùa hoa

Chủ Nhật 12/06/2016 , 13:38 (GMT+7)

Nghề nuôi ong lấy mật được coi là một nghề gian nan và gặp nhiều sự rủi ro. Để làm nên những giọt mật ngọt sánh, người nuôi ong phải nhọc nhằn rong ruổi khắp chân núi cửa rừng, đi theo những mùa hoa…

Theo “chân” những mùa hoa

Theo sát những mùa hoa nở ở mỗi mùa, mỗi vùng đất là điều bắt buộc những người làm nghề nuôi ong phải tuôn theo để những đàn ong của mình có hoa để hút mật. Vì thế, nuôi ong theo hình thức “di động” nay đây mai đó vốn không phải là chuyện lạ đối với người nuôi ong ở vùng núi, vùng cao.

Nói là di động nhưng không phải di chuyển đàn ong trên một địa bàn với khoảng cách gần mà có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, vùng này đến vùng khác. Bởi lẽ, mỗi vùng đất, mỗi mùa lại có một vụ hoa khác nhau, một khí hậu khác nhau. Mỗi chuyến di chuyển hàng trăm, hàng ngàn đõ ong là những chuyến mưu sinh thấm đẫm sự nhọc nhằn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ở Ấm Hạ (Hạ Hòa- Phú Thọ) có thâm niên nuôi ong lấy mật gần chục năm nay chia sẻ, nếu nuôi ong mà không nhạy cảm với mùa hoa thì coi như không biết cách nuôi ong. Hiện tại anh có tới gần 800 đõ ong lấy mật nên mỗi lần di chuyển ong đến một vùng đất mới để lấy hoa là cực kỳ vất vả.

Theo anh Hùng và nhiều chủ trang trại nuôi ong trên địa bàn trung du Bắc bộ và vùng Tây Bắc thì nơi đi xa nhất là Đăk Lắc, nơi đó có những trang trại cà phê bạt ngàn.

Vì vậy, vào mùa cà phê trổ hoa, họ phải vội vã thuê xe hai giàn chở toàn bộ đõ ong của mình vào đó. Sau tết, lại hành trình lên Sơn La, Lai Châu để lấy mật hoa rừng vì thời điểm này, hoa rừng ở vùng núi đua nở nên ong hút được mật rừng thì chất lượng mật sẽ thơm ngon.

Vào thời điểm gần giữa năm, ngoài Bắc hoa vải, hoa nhãn nở rộ, những chủ ong lại nhanh chóng cho đàn ong trở về quê hay xuống Bắc Giang để “hút mật” vải nhãn. Rồi đến cuối năm, hoa keo, hoa trẩu nở lại bố trí ngược rừng để ong kịp với mùa hoa trên núi cao.

Nhờ di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật của ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. Theo các chủ trang trại ong, nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì có lẽ ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi lên núi. Nhiều chủ ong lười di chuyển, cho ong ăn bột, đường nên chất lượng mật không cao.

Khi đi đến những vùng đất, không phải những chủ nuôi ong được cư dân bản địa “tiếp đón” một cách nồng hậu, ngược lại, họ còn bị nhắc nhở, nghiêm cấm không cho đặt ong ở gần ruộng lúa, gần đồi vải, nhãn. Vì họ cho rằng ong hút mật sẽ phá hoại mùa màng, hoa quả không đậu được.

09-33-55-chm-soc-ong-ngy-ti-chn-rung095446972
Chăm sóc ong ngay tại chân rừng

 

Ông Đặng Văn Chung một chủ nuôi ong ở xã Xuân Thượng (Bảo Yên- Lào Cai) chia sẻ: “Muốn theo chân được các mùa hoa, phải mất mấy ngày đường đất xa xôi, xin chính quyền xã và được sự ủng hộ của người dân quanh vùng mới có thể yên ổn được”.

Rong ruổi cùng bầy ong

Ong ở đâu, người nuôi ở đấy. Đó là câu cửa miệng của những chủ trang trại ong. Bởi lẽ, họ phải theo sát đàn ong, theo dõi sự phát triển và thích nghi của những đàn ong khi đến một vùng đất mới để chăm sóc chúng. Nhiều chủ trang trại ong chia sẻ, họ chăm sóc đàn ong còn hơn cả chăm con.

“Hằng ngày, khi ong đi kiếm mật về, chúng tôi phải cho ong ăn thêm đường, bột đậu để kích thích ong. Vì thế, chăm ong không khác gì chăm con mọn”, anh Hoàng Văn Tuấn ở xã Gia Điền (Hạ Hòa- Phú Thọ) chia sẻ.

Nếu đàn ong được đặt ở chân rừng hay đầu núi thì cũng đồng nghĩa với việc người nuôi ong phải làm lán ở cùng. Thông thường những trại ong lớn thì có khoảng 10-15 người đàn ông khỏe mạnh tham gia nuôi và trông coi ong. Họ xa nhà, xa vợ con, lăn lộn với đàn ong có khi hàng mấy tháng trời đến khi mùa hoa kết thúc. Làm lán ở chân rừng, không điện, muỗi vắt, thiếu thốn đủ bề.

Những ngày quay mật là thời điểm vất vả không kém. Tuy thành quả sau nhiều tháng ngược xuôi đã đến nhưng để có những giọt mật sóng sánh, người nuôi ong phải tiến hành khâu cuối là quay tầng ong để lấy mật. Công việc này phải được làm dứt điểm, nhanh gọn và đúng thời điểm. Vì thế, những người nuôi ong thời điểm này phải luôn chân luôn tay, thậm chí quên cả ăn để quay mật. Họ thay phiên nhau làm việc không biết mệt.

09-33-55-nh-2095446720
Nuôi ong trong rừng để đón những mùa hoa

 

Nghề nuôi ong vừa gian nan nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sự rủi ro trong hành trình mưu sinh của những chủ ong. Nếu như thời tiết ủng hộ, những mùa hoa đều đặn đúng mùa thì bầy ong sẽ no mật và cho chất lượng mật thơm ngon. Còn nếu hoa mất mùa cũng đồng nghĩa với việc mất mùa mật ong. Những ngày mùa đông giá lạnh, ong đói mật, nhiều đàn “bùng” tổ bỏ đi hay khi ong bị bệnh, dịch tự cắn lẫn nhau rồi chết nhiều. Cùng với những rủi ro đó là thị trường giá cả mật ong biến động nhiều khiến cho người nuôi ong không khỏi lo lắng.

Người ta thường nhẩm tính, một con ong để làm nên một giọt mật thì mỗi ngày nó phải bay đi bay về hàng ngàn cây số. Còn người nuôi ong, để làm nên những giọt mật sóng sánh sắc vàng, họ phải rong ruổi khắp mọi nơi để gửi niềm hi vọng vào những mùa hoa, những bầy ong. Đó là một cuộc mưu sinh không mệt mỏi của những người có duyên nợ với nghề làm nên những giọt mật cho đời.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.