Dựng lều nuôi con ăn học
Những người “hồi hương” thường sống tập trung thành từng khóm, có chung một công việc, thường lẩn tránh người lạ và chính quyền địa phương. Nhưng có một điều họ không thể giấu diếm được bất cứ ai đó là việc dựng lều lán cho con đến trường học chữ.
Bến nước, nơi người dân TĐC quay về dựng nhà làm ăn |
Theo thống kê của UBND xã Hữu Khuông, hiện có gần 51 học sinh theo bố mẹ trở về quê cũ xin vào học. Do đã di dời tái định cư (TĐC) về vùng đất mới, hộ khẩu không còn ở quê cũ nên con cái của những hộ này không được ưu tiên vào ở nội trú tại các trường học. Đường đi từ những điểm họ quay về sinh sống đến trường lại xa xôi, cách trở sông nước nên họ phải dựng lều tạm quanh trường tại bản Con Phen để con em theo đuổi con chữ.
Quanh trung tâm xã Hữu Khuông có đến chục lều tranh tạm bợ, thưng bằng phên nứa, rộng 5-6 m2 được dựng lên tựa những tổ chim nằm dọc ven suối. Trong bóng chiều nhá nhem, đứng cách cả chục mét vẫn có thể thấy lũ trẻ ngồi nấu ăn bên trong.
Bên trong “tổ chim”, hành trang đến với con chữ của lũ trẻ chỉ là những chiếc đèn pin Trung Quốc, cặp sách, chiếc chăn mỏng manh, vài bộ quần áo, không điện sáng, không đèn dầu. Mỗi chiếc lều ấy thường có 2-3 cháu ở chung; bếp lửa, vài cái nồi được bố trí ở một góc; phía còn lại trải chiếu trên những tấm gỗ lát thưa thớt, đó là nơi chúng ngủ sau khi học bài. Lũ trẻ lớn phải tự chăm sóc mình, tự nấu ăn, đêm đêm lên phòng học của nhà trường để học bài. Bố mẹ chúng, dăm ngày lại đến kiểm tra tình hình học hành của con cái và tiếp tế lương thực.
Trẻ em vùng TĐC theo bố mẹ về quê cũ học tập... |
Lương Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 8, trường THCS bán trú xã Hữu Khuông, cho biết: “Nhà em thuộc diện di dân TĐC lên xã Tri Lễ - Quế Phong (Nghệ An). Nay bố mẹ quay trở về đây làm ăn ở dọc các khe suối trong rừng, dựng cho em cái lều này để ở học. Mỗi tuần bố mẹ đều đưa gạo, một ít thức ăn lên cho em. Củi thì sau giờ học em tự đi tìm về thổi lửa nấu ăn. Không có điện sáng, đèn dầu cũng không có nên trời sẩm tối là em lên ký túc nhà trường để học bài. Ở đây cũng buồn, mưa gió thổi qua phên nứa rét lắm nhưng phải cố gắng để học cái chữ thôi”.
Đối với những cháu học mầm non, mẫu giáo, tiểu học, nhiều gia đình đã phải thay phiên nhau đến để chăm sóc các cháu ở những lều lán lợp tạm.
...Chúng ở trong những lều trại chật hẹp, tam bợ, tự lo cơm nước, đến trường |
Ông Quang Văn Tuyên dựng một bè nứa ngay bến Con Phen, hai vợ chồng vừa ở, vừa đánh cá, chèo xuồng và chăm hai đứa cháu đang đi học tại Hữu Khuông. Ông Tuyên cho biết: “Vì làm ăn khó khăn quá, cả gia đình ta có 8 nhân khẩu đều chuyển hết về ở đây. Nay con trai, con dâu đi làm rẫy, chăn trâu bò, ta và vợ làm bè gần đây để chăm cháu đi học. Kiếm được cái chữ ở đây vất vả lắm, nhưng không để các cháu đến trường thì thiệt thòi, thành ra cả nhà phải đi học”.
Đi qua các lán, trại dựng tạm, vài cậu con trai nhỏ tuổi đứng trong bóng tối nói chuyện cùng các em nữ sinh. Một người dân bản cho biết, đã không ít trường hợp học sinh cấp 2 phải bỏ học về sống với nhau vì lỡ có bầu.
Chết không có đất chôn
Trên đường đến Hữu Khuông, chúng tôi được gặp nhiều người đã di dân nay trở về quê cũ làm ăn. Đa phần họ ở sâu tít trong những khe suối, dựng nhà, lán trại để chăn nuôi, làm rẫy. Một số ít gom được tiền thì tậu chiếc xuồng máy chở khách từ bến Thượng Lưu về các bến chính kiếm kế sinh nhai.
Từ trung tâm xã Hữu Khuông, đi xuồng hơn 30 phút ngược về phía bến Thượng Lưu chúng tôi đến một khe nước, nơi trú ngụ của những người từ khu TĐC trở về. Từ xa đã thấy thấp thoáng những ngôi nhà tranh hiện lên trong sương sớm, kéo dài đến cuối khe nước. Trong khu dân cư này, những lối mòn được dân bản nối lên tận những cánh rừng phòng hộ sau lưng. Những ngôi nhà nhếch nhác, phía trước treo đủ các thứ quần áo, giẻ rách bẩn thỉu, lưới đánh cá…
Một góc bản Kim Hồng – nơi người dân TĐC quay về cư trú bất hợp pháp |
Đây là điểm thuộc địa phận hành chính xã Hữu Khuông, nơi dựng nhà cửa của người dân bản Kim Hồng cũ. Trước đây, bản Kim Hồng đóng phía ngoài khe suối này chừng nửa km. Khi di dời về xã Ngọc Lâm (Thann Chương), tên bản Kim Hồng vẫn được giữ nguyên.
Ông Lương Văn Quế, một người dân đã quay về quê cũ làm ăn, cho biết: “Ở khu TĐC, thủy điện cho ta ở nơi cao quá, không có nước sinh hoạt; đất sản xuất thì ít, không biết làm gì, đi làm thuê thì không đủ ăn nên phải bán nhà cửa được 40 triệu đồng, đưa vợ và 3 con quay về đây làm ăn.
Ở đây đã có 60 hộ dân quay về rồi, bản có trưởng bản, trưởng khóm. Về đây làm rẫy, nuôi con bò, mỗi năm bán vài con để trang trải cuộc sống. Nhưng nay Nhà nước cấm không cho phát rẫy, cũng không quay về được nữa, đành ở được đến khi nào thì ở thôi. Giờ chỉ khổ con cái đi học vất vả còn cái ăn, không có lúa rẫy thì vào rừng hái măng, kiếm con sóc, con dúi cũng đủ ăn qua ngày. Rồi không biết khi chết lấy đất đâu mà chôn”.
Một khoảnh RPH đã được phát chuẩn bị làm rẫy |
Theo thống kê của UBND xã Hữu Khuông, tính đến tháng 4/2017, toàn xã có 114 hộ đã di dời TĐC nhưng quay trở lại quê cũ làm ăn sinh sống. Nhiều hộ trong số này đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở khu TĐC. Họ tập trung thành từng khóm hoặc tổ chức lại thành từng bản cũ, sau đó thống nhất bầu 1 người chịu trách nhiệm cộng đồng chung để làm ăn, sinh sống. Sau nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, hiện nay mới chỉ có 10 hộ quay trở về điểm TĐC. Đây là điều khiến chính quyền xã Hữu Khuông lo ngay ngáy, nhất là tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT và gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Mặc dù có lệnh cấm cửa rừng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, dọc lòng hồ vẫn có những khoảnh rừng được cạo trọc, đốt phát, trên đó đã mọc lên những mần xanh.
Trong khi tại một số điểm trên địa bàn xã Hữu Khuông, người dân TĐC quay về dựng nhà cửa, sinh sống, tự phát lập thành thôn, bản thì tại khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ ở huyện Thanh Chương cách đó gần 300 km lại vắng bóng người. Tại đây, nhiều công trình dân sinh đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng, nhiều hộ đã bán nhà cửa, bán đất ở để quay về quê cũ. |